Thi đỗ Big4

Chắc hẳn đối với những ai quan tâm đến lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Tài chính đã hơn một lần nghe tới cụm từ “Big4”, nhưng liệu bạn có thực sự hiểu hết về nó? Trong bài viết này, BISC sẽ cung cấp những thông tin tổng quan nhất về lịch sử hình thành, về 4 firm tạo thành Big4 cũng như làm thế nào để có thể trở thành một thành viên của Big4.


Big4 là gì?

Big Four (viết tắt là Big4) là thuật ngữ mô tả 4 công ty hàng đầu trong một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, khi nhắc đến Big4 thì người ta hay nghĩ ngay tới 4 công ty Kiểm toán Quốc tế hàng đầu trên Thế giới gồm: Deloitte, PwC, EY và KPMG. Đây là các công ty đa quốc gia, chuyên cung cấp các dịch vụ về Kiểm toán, Thuế, Tư vấn Tài chính, Bảo hiểm và các dịch vụ Pháp lý, xử lý phần lớn các công việc Kiểm toán cho các công ty có giao dịch công khai lớn nhất, tạo ra sự độc quyền trong ngành công nghiệp Kiểm toán. 4 công ty này tạo ra hàng ngàn cơ hội việc làm hấp dẫn, phù hợp với những ai theo học ngành Kế toán, Kiểm toán và Tài chính.


Lịch sử hình thành Big4?

Ban đầu, nhóm những công ty hàng đầu mang tên Big8, gồm 8 công ty: Arthur Andersen, Arthur Young & Co., Coopers & Lybrand, Ernst & Whinney, Deloitte, Haskins & Sells, KPMG, Touche Ross và Price Waterhouse.

Năm 1989 đã diễn ra 2 cuộc sáp nhập lớn giữa Ernst & Whinney và Arthur Young & Co, tạo ra Ernst and Young, và giữa Deloitte, Haskins & Sells và Touche Ross, tạo thành Deloitte Touche, giảm nhóm Big8 xuống còn Big6.

Đến năm 1998, Price Waterhouse sáp nhập với Coopers & Lybrand, tạo ra PricewaterhouseCoopers (PwC), giảm Big6 xuống còn Big5.

Và tới năm 2002, vụ bê bối kiểm toán lớn nhất trên thế giới đã xảy ra, cái tên Arthur Andersen đã không còn trên thị trường Kiểm toán, và từ đó, cái tên Big4 ra đời và tồn tại đến ngày nay. Rút kinh nghiệm từ những “biến cố” đã xảy ra, Big4 đã thiết lập các công ty chi nhánh trên toàn cầu với chức năng của các công ty độc lập, thống lĩnh thị trường Kế toán - Kiểm toán - Tài chính.


Danh sách các công ty Big4

1 - PricewaterhouseCooper (PwC)

PricewaterhouseCooper (viết tắt là PwC) là một trong bốn Công ty Kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay, được bình chọn là Công ty Kiểm toán đứng đầu Thế giới trong 7 năm liên tiếp bởi Vault Accounting 50, và đây cũng là điểm đến làm việc hàng đầu tại Bắc Mỹ trong 3 năm liên tiếp. Ngày nay PwC đã phát triển với mạng lưới chi nhánh phủ khắp trên 157 quốc gia với 743 địa điểm. Tính đến thời điểm năm 2019, 22% nhân sự của PwC làm việc ở châu Á, 26% nhân sự làm việc ở Bắc Mỹ và 32% nhân sự làm việc ở Tây Âu.

Với khẩu hiệu “Building relationship - Creating values” (Xây dựng quan hệ - Tạo lập giá trị), PwC đã và đang sở hữu số lượng khách hàng “khủng” nhất trong số các Big ở Việt Nam. PwC Việt Nam sở hữu một đội ngũ nhân viên nhiệt huyết, chuyên nghiệp, hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Tư vấn thuế, Kiểm toán và Dịch vụ bảo đảm, Tư vấn nguồn nhân lực,... trong đó dịch vụ Kiểm toán vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu.

Kỳ thi tuyển của PwC thường tổ chức vào tháng 9, bao gồm 4 vòng thi: CV, Test, Phỏng vấn nhóm và Phỏng vấn cá nhân. Tuy nhiên, PwC gần như không hỏi quá nhiều về kiến thức chuyên ngành, thay vào đó PwC yêu cầu cao hơn về trình độ tiếng Anh, khả năng viết luận và tư duy logic.

➤➤➤ Xem thêm: Tìm hiểu chi tiết về PwC

2 - Deloitte

Deloitte có lẽ cũng là cái tên không còn xa lạ với bất kỳ ai quan tâm đến vấn đề Kế toán - Kiểm toán - Tài chính. Với mạng lưới trải rộng trên 150 quốc gia và khoảng hơn 264 nghìn nhân viên chuyên nghiệp, trong đó chi nhánh Việt Nam sở hữu khoảng 877 nhân viên, Deloitte ngày càng khẳng định vị thế và danh tiếng của mình trong ngành. Năm 2016, Deloitte Global được tạp chí Fortune đánh giá là một trong số 100 Công ty đáng làm việc nhất Thế giới.

Tiền thân của Deloitte Việt Nam là Công ty Kiểm toán Việt Nam VACO - công ty Kiểm toán đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam. Ngoài dịch vụ Audit & Assurance, Deloitte còn cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ chất lượng như: Tax (Tư vấn thuế), Consulting (Tư vấn doanh nghiệp), Risk Advisory (Tư vấn rủi ro),... trong đó Consulting (Tư vấn doanh nghiệp) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu (khoảng 34%). Deloitte Việt Nam cũng đã đạt được rất nhiều thành tích nổi bật như: năm 2017 được trao tặng Giải thưởng Rồng vàng cho “Dịch vụ Tư vấn Quản trị rủi ro chuyên sâu” và là doanh nghiệp duy nhất trong lĩnh vực Tư vấn và Kiểm toán có mặt “Top 10 Doanh nghiệp Rồng vàng tăng trưởng bền vững tại Việt Nam”,...

Deloitte là doanh nghiệp yêu cầu về trình độ chuyên môn cao nhất trong nhóm Big4. Mỗi năm, Deloitte tuyển khoảng 60 thực tập sinh, ứng viên sẽ phải vượt qua 5 vòng thi gồm:

  • Vòng 1: One Step Ahead (Vòng hồ sơ)
  • Vòng 2: The Challenger (Vòng thi viết)
  • Vòng 3: As One (Vòng phỏng vấn nhóm và giải Case Study)
  • Vòng 4: The Game Changer (Phỏng vấn cá nhân)
  • Vòng 5: One Destination (Cán đích)

Khác với PwC, Deloitte không yêu cầu cao về trình độ tiếng Anh nhưng lại yêu cầu khá cao về kiến thức chuyên ngành. Phần lớn các thí sinh đều nhận xét đề test của Deloitte là khó nhất vì đề khá dài và nhiều kiến thức chuyên ngành. Nếu khả năng tiếng Anh của bạn không tốt thì đến vòng phỏng vấn nhóm và phỏng vấn cá nhân, bạn sẽ được thể hiện trình độ kiến thức chuyên môn nhiều hơn vì bạn có quyền lựa chọn trả lời bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

➤➤➤ Xem thêm: Tìm hiểu chi tiết về Deloitte

3 - KPMG

KPMG Global là một mạng lưới toàn cầu có trụ sở đặt tại Amstelveen (Hà Lan), có văn phòng tại 155 quốc gia trên Thế giới với hơn 136.500 nhân viên, chuyên cung cấp các dịch vụ về Audit & Assurance (Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm), Tax (Thuế), Enterprise (Pháp lý) và Advisory (Tư vấn). Trong bảng xếp hạng Top 100 Công ty tốt nhất để làm việc năm 2017 của Fortune, KPMG đứng ở vị trí thứ 12 và xếp thứ 2 trong Top các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, đồng thời đứng ở đầu bảng trong Bảng xếp hạng các Nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất thế giới bởi Universum.

KPMG Việt Nam được thành lập từ năm 1994 với 3 văn phòng đặt tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Mặc dù số lượng Kiểm toán viên hành nghề ở KPMG Việt Nam khiêm tốn so với 3 Big còn lại nhưng chất lượng dịch vụ mà KPMG mang tới cho khách hàng không hề kém cạnh, KPMG đã được Bộ Tài chính là VACPA công nhận là Công ty Kiểm toán hàng đầu tại Việt Nam, dẫn đầu cả về doanh thu, số lượng khách hàng và số lượng kiểm toán viên đạt chuẩn. Ngoài các dịch vụ về Kiểm toán, Thuế, Pháp lý và Tư vấn như KPMG Global, KPMG Việt Nam còn có thêm các dịch vụ khác như Legal (Tư vấn pháp lý), Deals Advisory (Tư vấn tài chính và mua bán doanh nghiệp).

KPMG khá chú trọng về trình độ tiếng Anh, tuy nhiên trong các năm gần đây, KPMG đã nâng độ khó của các vòng thi bằng cách bổ sung thêm nhiều câu hỏi về kiến thức chuyên ngành, đòi hỏi thí sinh cần cân bằng giữa nền tảng kiến thức chuyên ngành và trình độ tiếng Anh. Kỳ thi của KPMG gồm 3 vòng: CV, Viết Essay và Phỏng vấn. Tại vòng phỏng vấn nhóm, KPMG sẽ tập trung đưa ra các câu hỏi về kiến thức xã hội và đến vòng phỏng vấn cá nhân, người phỏng vấn sẽ tùy biến khai thác các câu hỏi dựa vào thông tin mà bạn cung cấp trong CV và một số kiến thức chuyên ngành của ứng viên.

➤➤➤ Xem thêm: Tìm hiểu chi tiết về KPMG

4 - EY

EY được hình thành do sự sáp nhập của Ernst & Whinney và Arthur Young & Go vào năm 1989. Trải qua gần 30 năm hoạt động, EY sở hữu cho mình khoảng hơn 230 nghìn nhân viên tại hơn 700 văn phòng tại 150 quốc gia trên thế giới. EY chuyên cung cấp các mạng dịch vụ chính như: Advisory (Dịch vụ tư vấn), Assurance (Dịch vụ đảm bảo), Tax (Tư vấn thuế),... trong đó dịch vụ Kiểm toán và bảo đảm vẫn chiếm tỷ lệ ưu thế trong tổng doanh thu. Năm 2017, EY Global xếp hạng trong top 30 các công ty tốt nhất để làm việc do tạp chí Fortune đề xuất.

EY có mặt tại Việt Nam từ năm 1992 và là Công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ Kiểm toán và tư vấn 100% vốn đầu tư nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam. Hiện nay, quy mô nhân sự của EY Việt Nam lên tới gần 1000 nhân viên, trong đó có gần 70 Kiểm toán viên được công nhận bởi VACPA và Bộ Tài chính. Năm 2016, EY Việt Nam đã được công nhận là một trong số những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.

EY thường ít thay đổi về yêu cầu tuyển dụng cho từng năm nhưng các vòng thi tuyển của EY lại yêu cầu ở thí sinh có đầy đủ trình độ và khả năng ở cả 3 lĩnh vực: kiến thức chuyên ngành, trình độ tiếng Anh và kỹ năng hành nghề. Kỳ thi tuyển của EY cũng gồm 3 vòng: Test và viết Essay, Phỏng vấn nhóm và Phỏng vấn cá nhân. Đề test ở EY có cấu trúc khá giống với đề test ở Deloitte, tuy nhiên, đề thi ở EY có nhiều câu hỏi tính toán và câu hỏi tình huống hơn. Tới vòng phỏng vấn, chủ yếu các chủ đề mà EY đưa ra cho thí sinh là các câu hỏi về xã hội, yêu cầu các bạn thuyết trình và trả lời bằng tiếng Anh.

➤➤➤ Xem thêm: Tìm hiểu chi tiết về EY


Lời kết

Hiện nay, Big4 vẫn đang chiếm vị trí độc quyền trên thị trường tài chính Việt Nam nói riêng và trên Thế giới nói chung, đây là một môi trường làm việc chuyên nghiệp, là sự khởi đầu lý tưởng cho những ai muốn tiến xa hơn trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Tài chính. Hy vọng những chia sẻ trên đây của BISC đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về Big4. Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng BISC!

BISC cung cấp các khóa học ACCA - một nền tảng rất quan trọng giúp bạn chinh phục Big4, đồng thời có các khóa học quà tặng dành cho tất cả học viên tại trung tâm như khóa Hành trang Big4 để bổ trợ kiến thức và kỹ năng toàn diện cho học viên chuẩn bị thi Big4. Theo thống kê, trong thời gian vừa qua, BISC đã có tới hơn 80% học viên có nguyện vọng và thi đỗ Big4, có nhiều bạn thi đỗ hơn 2 Big, đây thực sự là một nỗ lực đáng ghi nhận của thầy và trò BISC. 

Hiện nay, lịch khai giảng đã được cập nhật trên website của BISC, các bạn hãy truy cập vào website hoặc fanpage để tìm hiểu thông tin chi tiết về các khóa học nhé! Các bạn cũng đừng ngần ngại liên hệ với BISC để được tư vấn và hỗ trợ 24/7 nhé!