Giới thiệu tổng quan về Deloitte

Giới thiệu tổng quan về Deloitte

Chắc hẳn bất cứ ai quan tâm đến lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán sẽ không thể không biết đến Deloitte tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về công ty này. Trong bài viết này, BISC sẽ giúp bạn tìm hiểu tổng quan về Deloitte GlobalDeloitte Việt Nam.

1. Giới thiệu chung

Deloitte được biết đến là một trong 4 công ty trong khối Big4, cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, Thuế, Tư vấn…hàng đầu thế giới cùng với PwC, EY KPMG. Được thành lập năm 1845 tại London (Anh Quốc), với mạng lưới hoạt động rộng khắp (>150 quốc gia), sở hữu trên 264 nghìn nhân viên chuyên nghiệp, Deloitte ngày càng khẳng định vị thế và danh tiếng của mình. Năm 2016, Deloitte Global được tạp chí Fortune vinh danh trong top 100 các Công ty đáng làm việc nhất Thế giới.

Deloitte Việt Nam là Công ty kiểm toán đầu tiên trên thị trường kiểm toán độc lập tại Việt Nam có tiền thân là Công ty Kiểm toán Việt Nam VACO, tính đến nay đã có hơn 20 năm hoạt động. Ngày nay, Deloitte Việt Nam vẫn tiếp tục kế thừa nền tảng thành quả mà VACO đã xây dựng, đồng thời lên chiến lược, kế hoạch mở rộng và phát triển mạnh mẽ, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tái cấu trúc hệ thống quản lý,... để phù hợp với các chuẩn mực của Deloitte Global.

2. Quy mô nhân sự

Theo thống kê năm 2019, Deloitte Global dẫn đầu Big4 với khoảng 312 nghìn nhân viên đang làm việc trên 150 quốc gia, trong đó Deloitte Việt Nam sở hữu khoảng gần 900 nhân viên làm việc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hằng năm, Deloitte Việt Nam luôn có các chính sách hỗ trợ, đào tạo bằng việc cử nhân viên học các chứng chỉ quốc tế như ACCA, CPA; gửi nhân viên đi các nước để làm việc... nhằm nâng cao chất lượng nhân viên, giúp nhân viên có cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân.

3. Các dịch vụ và khách hàng chính

3.1 Dịch vụ chính

Nhìn chung, Deloitte cung cấp các dịch vụ chủ yếu sau:

  • Audit & Assurance (Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm)
  • Tax (Tư vấn thuế)
  • Consulting (Tư vấn doanh nghiệp)
  • Risk Advisory (Tư vấn rủi ro)
  • Legal (Tư vấn pháp lý)...

3.2 Khách hàng chính

Khách hàng Deloitte chủ yếu là các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có quy mô lớn. Theo thống kê, Deloitte Việt Nam sở hữu ⅓ trong tổng số hơn 1000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, trong đó phải kể đến:

  • Deloitte Global: Microsoft, Apple, IBM,...
  • Deloitte Việt Nam: chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như Vinaconex, Doosan Vina, Petrosetco, FPT… Đây cũng là firm có số lượng khách hàng lớn nhất trong số các công ty kiểm toán ở Việt Nam.

4. Văn hóa doanh nghiệp

Deloitte lấy khẩu hiệu “Making an impact” làm giá trị cốt lõi với mong muốn nhân viên của mình có thể tạo ra sự ảnh hưởng đối với thế giới. Bên cạnh đó, để tạo ra môi trường làm việc thoải mái, Deloitte cũng đề ra khẩu hiệu “Work - life balance”, thường xuyên tổ chức các chuyến du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí cho nhân viên.

5. Chiến lược hoạt động

Với mục tiêu đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng theo một chuẩn mực, Deloitte triển khai chiến lược “As One” (Một Deloitte), chú trọng đầu tư về nhân sự, coi con người là yếu tố gốc rễ tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, qua đó mang lại giá trị gia tăng bền vững. Có lẽ cũng vì thế mà Deloitte Việt Nam trở thành công ty lớn nhất có đội ngũ lãnh đạo và nhân viên chuyên nghiệp được đào tạo trong môi trường quốc tế chuyên nghiệp.

6. Thành tựu

Năm 2016, Deloitte Global là một trong số 100 Công ty đáng làm việc nhất Thế giới. Bên cạnh đó, đây cũng là công ty giữ danh hiệu Kế toán - Kiểm toán số 1 trong 9 năm liên tiếp cho tới năm 2017.

Deloitte Việt Nam cũng có nhiều thành tích đáng phải kể tới như: năm 2005 đạt cúp vàng sản phẩm uy tín chất lượng do Hội sở hữu công nghiệp Việt Nam tổ chức bình chọn; năm 2017 được trao tặng Giải thưởng Rồng vàng cho “Dịch vụ Tư vấn Quản trị rủi ro chuyên sâu”, “Top 10 Doanh nghiệp Rồng vàng tăng trưởng bền vững tại Việt Nam”...

7. Quy trình tuyển dụng

Deloitte là doanh nghiệp yêu cầu về trình độ chuyên môn cao nhất trong nhóm Big4. Hằng năm, Deloitte tuyển khoảng 60 thực tập sinh, ứng viên sẽ phải vượt qua 5 vòng thi sau:

  • Vòng 1: One Step Ahead (Vòng hồ sơ)
  • Vòng 2: The Challenger (Vòng thi viết)
  • Vòng 3: As One (Vòng phỏng vấn nhóm và giải Case Study)
  • Vòng 4: The Game Changer (Phỏng vấn cá nhân)
  • Vòng 5: One Destination (Cán đích)

Khác với PwC, Deloitte không yêu cầu cao về trình độ tiếng Anh nhưng lại yêu cầu khá cao về kiến thức chuyên ngành. Phần lớn các thí sinh đều nhận xét đề test của Deloitte là khó nhất vì đề khá dài và nhiều kiến thức chuyên ngành. Nếu khả năng tiếng Anh của bạn không tốt thì đến vòng phỏng vấn nhóm và phỏng vấn cá nhân, bạn sẽ được thể hiện trình độ kiến thức chuyên môn nhiều hơn vì bạn có quyền lựa chọn trả lời bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

8. Lộ trình phát triển

Cũng như các firm khác trong Big4, Deloitte cũng có lộ trình phát triển nghề nghiệp như sau:

Associate (2 năm) → Senior Associate (2 năm) → Assistant Manager (2 năm ) → Manager (2 - 4 năm) → Director.

Để lên được một level, phần lớn Deloitte sẽ đánh giá qua sự thể hiện của nhân viên trong các cuộc kiểm toán và đánh giá trên hệ thống PMA (Performance Management Approach) cùng với trình độ tiếng Anh.

Xem thêm: Giới thiệu tổng quan về PwC

Trên đây là các thông tin tổng quan về Deloitte Global nói chung và Deloitte Việt Nam nói riêng, hy vọng sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về Deloitte, đây là một môi trường làm việc chuyên nghiệp, là sự khởi đầu lý tưởng cho những ai có mong muốn thi vào Big4. Để trở thành một mảnh ghép của Deloitte, hãy trau dồi những kiến thức chuyên ngành cần thiết bằng việc học chương trình ACCA nhé!

Đăng ký học thử ACCA Online MIỄN PHÍ tại đây