Bí quyết chinh phục môn Financial Reporting (FR/F7) của chàng trai đam mê Kế Kiểm
Bùi Đăng Hoàng - học viên của BISC đã vượt qua môn Financial Reporting kỳ March 2020 - môn học được coi là “khó nhằn” ở level Applied Skill. Liệu Hoàng có phương pháp học gì đặc biệt cho môn học chỉ có pass rate toàn cầu là 44% ở kỳ March vừa qua? Hãy cùng BISC trò chuyện với Hoàng để lắng nghe những chia sẻ của chàng trai này nhé!
BISC: Chào Hoàng, trong chương trình học của ACCA, FR/F7 là môn học ở level Applied Skill - mức độ nâng cao so với môn học Financial Accounting (FA). Với nền tảng kế toán từ trước, Hoàng thấy FR có thực sự khó nhằn không?
Bùi Hoàng: Thực ra nền tảng kế toán của mình khi tiếp cận với môn Financial Reporting là không tốt. Mặc dù mình đã trải qua khóa học FA cũng như một số môn học kế toán ở trên trường nhưng trong suốt khoảng thời gian đó, mình không thực sự để tâm và thấu hiểu vấn đề. Kế toán với mình từng có lúc là một môn học nhàm chán với chỉ toàn định khoản Nợ - Có, Debit - Credit. Cho nên khi đăng ký theo học FR/F7, mình đã rất lo lắng, tuy nhiên, mình không chọn các môn khác bởi FR là môn ở level Applied Skill đầu tiên nên tiếp cận.
BISC: Vậy Hoàng đã vượt qua khó khăn của bản thân như thế nào?
Bùi Hoàng: Ngay từ buổi đầu đi học với thầy Hà Long Giang, mình đã được “trấn an” rất nhiều vì thầy có chia sẻ những nội dung liên quan đến môn học FA sẽ được nhắc lại khi học môn FR để giúp mọi người có kiến thức nền khi tiếp cận với môn học. Đồng thời, mình rủ thêm 2 người bạn của mình để đồng hành trong quá trình chinh phục FR. Mình nghĩ đây là một chiến lược tốt đối với bất kì môn học nào của ACCA bởi lẽ có những vấn đề mình rất ngại hỏi thầy cô (chủ yếu là vì sợ mình hỏi buồn cười quá) nhưng hỏi bạn bè thì lại rất dễ. Đôi lúc, nếu bạn bè hiểu không như mình hiểu thì cũng rất tốt vì mỗi lúc như thế, bản thân mình sẽ nhớ kiến thức rất lâu.
Một điều nữa giúp mình vượt qua được khó khăn chính là nhờ thầy Hà Long Giang. Chuẩn mực có là thứ khô khan hay không, mình nghĩ một phần do người dạy. Ngay từ những buổi đầu tiên, mình đã thấy thích thú với môn học bởi cách giảng của thầy Giang, xuyên suốt trong 3 tiếng học tập, thầy luôn truyền được cảm hứng và năng lượng, do đó mình không thấy chán khi tiếp cận môn học này.
BISC: Trong phạm vi của môn học FR/F7, Hoàng thấy đâu là phần khó nhất, và đâu là phần mà Hoàng thích nhất trong 4 part của FR?
Bùi Hoàng: Phần mình thấy thích nhất trong môn Financial Reporting chính là Part A - The conceptual and Regulatory framework for Financial Reporting. Theo như mình quan sát thì đây là phần mà nhiều bạn sẽ cảm thấy rất khô khan vì toàn là lý thuyết và chuẩn mực nhưng đối với mình, đây lại là phần nền tảng, đưa ra những khung pháp lý, chuẩn mực chung và những nguyên tắc khi lập BCTC. Thầy Giang cũng đã giúp bọn mình dần mường tượng ra sự khác biệt giữa các Chuẩn mực Quốc tế so với Chuẩn mực Kế toán tại Việt Nam. Nếu như Việt Nam hay chọn đi theo phương pháp Historical Cost để đo lường giá trị thì khi tiếp cận với FR, mình được học thêm nhiều phương pháp, trong đó đặc biệt ấn tượng với Present Value of Future Cash Flow, một phương pháp đòi hỏi khả năng dự báo, đặt ra nhiều bối cảnh trong tương lai để đo lường giá trị một cách tương đối chính xác. Mình cũng được tiếp cận với cách vận hành của một tổ chức, làm sao để có thể ban hành được cách chuẩn mực với những thông tin chính xác, đồng thời mang tính cập nhật, phục vụ các loại giao dịch mới đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.
Còn phần mình thấy khó nhất chính là toàn bộ các Chuẩn mực Kế toán quốc tế bởi có nhiều chuẩn mực tại Việt Nam còn chưa có, do đó rất khó hình dung. Những chuẩn mực Việt Nam đã có thì lại xuất hiện những cách ứng xử (treatment) rất khác nhau (bạn mình học theo Chuẩn mực Việt Nam nên thường xuyên bị nhầm). Mình đi học với tâm thế là một “trang giấy trắng” nên có lẽ ít bị nhầm hơn và không cảm thấy bối rối trong quá trình tiếp cận. Các chuẩn mực mình thấy tương đối lạ như IAS 41: Agriculture; IAS 20: Government Grant; các chuẩn mực liên quan đến công cụ tài chính (Financial Instrument); IFRS 15: Revenue from Contracts with Customers; IFRS 16: Leases, … Kinh nghiệm của mình với những chuẩn mực “lạ” này chính là mọi người hãy cố gắng practice thật nhiều, cố gắng trao đổi với giảng viên càng nhiều càng tốt để thực sự hiểu đúng những gì mà chuẩn mực muốn truyền tải. Bản thân mình ngay kể cả khi đã Pass thì nhìn lại các chuẩn mực này vẫn thấy rất khó, khi đi thi, đề thi chỉ ra một phần nội dung rất nhỏ trong các chuẩn mực này thôi, do đó mình nghĩ bản thân vẫn còn phải cố gắng thêm rất nhiều để thực sự hiểu các chuẩn mực này.
Bùi Hoàng - học viên môn Financial Reporting kỳ March 2020
BISC: Hoàng có thể chia sẻ kinh nghiệm ôn thi môn Financial Reporting của mình không?
Bùi Hoàng: Đối với môn học Financial Reporting, mình nghĩ bí quyết thành công đơn giản chỉ là Practice, Practice và Practice. FR là môn học có rất nhiều bài tập, đặc biệt là bài tập tính toán. Tuy nhiên để có thể tính đúng thì phải hiểu chuẩn mực, xem trong từng tình huống thì một vấn đề phát sinh sẽ được treatment ra sao. Việc practice liên tục giúp mình nhớ hơn các cách treatment này. Mỗi người có một cách học riêng, mình có một người bạn đến ngày cuối cùng mới làm 01 đề Past Exam. Tuy nhiên, mình nhận thấy bản thân còn khá nhiều thiếu sót nên mình đã “cày” toàn bộ bài tập trong cuốn Revision Kit (trừ phần Phân tích Ratio là mình chỉ làm 1 - 2 bài), các đề Past Exam mình cũng đều làm hết, đặc biệt là những đề mới kể từ khi chuyển đổi hình thức thi. Đặc biệt, các bài tập liên quan đến Objective Test Question thì cover hết tất cả nội dung trong syllabus nên mình không bỏ qua bất kì một nội dung nào; tuy nhiên các bài tập Long Question chỉ tập trung vào một số dạng chính (Lập Báo cáo hợp nhất, Điều chỉnh các Notes trong đề theo các chuẩn mực hiện hành, từ đó lập ra BS hay PL). Các bạn có thể lập chiến lược ôn thi của riêng mình sao cho phù hợp với mục tiêu mà mình đề ra nhé!
Trong quá trình ôn thi, mình cố gắng trao đổi với bạn học rất nhiều, đồng thời cũng “chăm” hỏi thầy Giang trong quá trình ôn thi. Mình rất cảm ơn thầy vì công việc tuy bận rộn nhưng thầy vẫn sắp xếp để trả lời thắc mắc của học viên. Nhiều lúc mình ngại vì sợ hỏi nhiều quá, tuy nhiên thầy Giang vẫn luôn ủng hộ học viên, khuyến khích các bạn hỏi liên tục để giúp các bạn hiểu vấn đề một cách chính xác.
Một điều nữa mình thấy rất thú vị mà chỉ BISC mới có đấy chính là công cụ học Online giúp mình có thể xem lại bài học bất cứ lúc nào. Trong quá trình ôn tập, mình thấy vướng mắc với một nội dung khó nào đó, mình có thể lại mở video bài giảng của thầy lên để xem lại vấn đề một lần nữa. Trong trường hợp vấn đề khó hiểu quá, bản thân không thể tìm được câu trả lời thì mình mới hỏi lại thầy. Cứ như vậy, mình có thể nhớ kiến thức rất lâu.
BISC: Không biết dự định sắp tới của Hoàng đối với các môn học ACCA là gì?
Bùi Hoàng: Bản thân mình cũng đã xác định mục tiêu phải theo đuổi ACCA, tuy nhiên mình không vội nên mỗi kỳ mình chỉ học và thi 1 môn. Khoảng 2 tuần nữa là mình sẽ thi môn TX/F6 - Taxation. Đây là môn học mình đã được cô Lan Anh giảng dạy trong suốt khoảng thời gian vừa qua. TX là một môn học rất khác so với FR, do đó cách học và chiến lược ôn tập của mình đề ra cũng rất khác với môn FR. Mình thấy đây là điểm rất thú vị của chương trình học ACCA vì ACCA cover rất nhiều các mảng từ Thuế, Kế toán, Quản trị tài chính, Quản trị hoạt động, Kiểm toán, … mỗi môn học trong mỗi mảng lại mang những đặc thù khác nhau, từ đó giúp học viên có một nền tảng kiến thức vô cùng đa dạng.
BISC: Cảm ơn Hoàng về những chia sẻ vừa rồi. Chúc Hoàng sẽ có những ngày cuối cùng ôn tập thật hiệu quả và đạt kết quả mong muốn trong kỳ thi sắp tới!