Khám phá hành trình trở thành TOP 4 The Audit Race 2020 của Nguyễn Phương Trinh - học viên BISC

Khám phá hành trình trở thành TOP 4 The Audit Race 2020 của Nguyễn Phương Trinh - học viên BISC

Hiện nay, kế toán, kiểm toán và tài chính là một trong những ngành nghề vẫn đang giữ sức hút và sức ảnh hưởng rất lớn, chính vì vậy, tại các trường đại học, đặc biệt là các trường kinh tế, có khá nhiều các cuộc thi học thuật chuyên về ngành kế toán - kiểm toán - tài chính. Tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cuộc thi The Audit Race đã dần chứng tỏ được mình là một trong những cuộc thi học thuật về kế toán kiểm toán có uy tín và thu hút nhiều các bạn sinh viên tham gia nhất. Để giúp cho các bạn sinh viên hiểu hơn về trải nghiệm và chuẩn bị cho The Audit Race 2021, trên cương vị là Nhà tài trợ vàng đồng hành cùng cuộc thi năm nay, BISC đã liên hệ với bạn Phương Trinh - một học viên đang theo học tại BISC đã từng tham gia thi và đạt vị trí Top 4 chung cuộc để chia sẻ đôi chút về cuộc thi. Hãy cùng BISC trò chuyện với Phương Trinh để hiểu rõ thêm nhé!

BISC: Xin chào Phương Trinh! Xin mời bạn hãy giới thiệu bản thân và gửi lời chào tới mọi người nhé!

Phương Trinh: Xin chào mọi người! Mình là Phương Trinh, hiện nay mình đang là sinh viên năm cuối chương trình Kế toán Tiên tiến (AEP), trường Đại học Kinh tế Quốc dân và cũng là học viên BISC. The Audit Race là một cuộc thi vô cùng đáng nhớ đối với mình vì cuộc thi giống như một cột mốc đánh dấu việc mình đã dám bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân vì trước đó mình chưa đăng ký tham gia bất kỳ một cuộc thi về lĩnh vực kế - kiểm nào cả. Mình rất vui mừng và vinh dự khi lọt vào TOP 4 của cuộc thi. Ngay sau đêm chung kết The Audit Race 2020, mình đã tham dự vòng Final Interview của cuộc thi Pathway to Strategic Business Leadership do công ty EY Việt Nam phối hợp cùng trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, và rất may mắn mình đã được chọn vào TOP 20 và nhận được offer internship của EY ngay từ năm 3. Năm 3 đại học cũng là một năm rất đáng nhớ với mình. Sau Pathway to SBL 2021, mình đã được nhận học bổng ACCA Futurist Scholarship do ACCA VietnamBISC trao tặng. Học bổng là một sự khẳng định cũng như là động lực to lớn để mình tiếp tục theo đuổi sự nghiệp Kế - kiểm.


Nguyễn Phương Trinh - học viên BISC, Top 4 The Audit Race 2020

BISC: Cuộc thi đã thay đổi Trinh như thế nào?

Phương Trinh: Trước khi tham gia cuộc thi The Audit Race 2020 (TAR), mình không tự tin về kiến thức chuyên môn cũng như khả năng thuyết trình của bản thân. Lúc đầu mình không định đăng ký tham gia vì thấy bản thân còn nhiều thiếu sót quá. Cuộc thi được tổ chức mô phỏng các công ty áp dụng chuẩn mực VAS cũng là một thử thách với mình vì khi đó chương trình mình theo học là theo chuẩn mực US GAAP, lúc đó mình chỉ mới học môn F2 - Management Accounting, F3 - Financial Accounting, và cũng chưa được học kiến thức về kiểm toán. Vì vậy, ban đầu mình đã không đủ tự tin. Nhưng rồi mình đã cố gắng đọc thêm các tài liệu liên quan để trau dồi kiến thức thật nhanh. Nhờ có sự động viên và support của các anh, chị và các bạn, mình đã cố gắng khắc phục những thiếu sót của mình và tiến vào những vòng tiếp theo của cuộc thi. Hồi ấy cũng nhờ câu động viên từ một người chị thân thiết của mình: "Các bạn cũng như em thôi nên đừng sợ gì cả, hãy cố gắng lên” đã giúp mình giảm bớt sự lo lắng về các yếu tố khách quan bên ngoài và tập trung cao độ để làm những việc mình có thể làm được.

BISC: Trinh có lưu ý gì cho các bạn tham gia vòng Test không vì có vẻ như tỷ lệ chọi ở vòng này là rất cao?

Phương Trinh: Điều lưu ý đầu tiên là các bạn cần để ý Gmail cá nhân và tin nhắn điện thoại để nhận được link làm bài test và vào làm bài test đúng giờ. Các bạn cần đảm bảo đường truyền mạng ổn định để tránh rủi ro bị out ra khỏi phòng thi trong quá trình làm bài. Theo kinh nghiệm của mình, mình nghĩ các bạn nên đăng nhập trước từ 20-30 phút để có thể ứng biến kịp thời nếu có sự cố xảy ra.

Về kiến thức chuyên môn, các bạn nên ôn thật kỹ kiến thức của các môn F2 - Management Accounting, F3 - Financial Accounting F8 - Audit and Assurance, đặc biệt là môn F3. Các bạn cũng nên dành thời gian để ôn các câu hỏi IQ, EQ (Các bạn có thể tham khảo khóa “Hành trang Big4” của BISC, mình thấy khóa học này có thể giúp trang bị kiến thức ở phần này, nếu là học viên của trung tâm như mình thì sẽ được tặng luôn đó). Ngoài ra các bạn nên để ý đến các sự kiện nổi bật trong năm qua để không bỏ phí điểm ở các câu test kiến thức xã hội nhé.

Một lưu ý quan trọng là bạn cần chú ý đến thời gian làm bài và hãy cố gắng hoàn thành tất cả các câu hỏi của bài nhé.

BISC: Ngoài các vòng thi thì BTC cuộc thi còn tổ chức khá nhiều các buổi training, Trinh đã học được những điều gì từ các buổi training ấy?

Phương Trinh: Khi vượt qua vòng test online, Top 30 sẽ được tham gia buổi training về kiến thức trọng tâm của cuộc thi. Như năm của mình, BTC sẽ gửi trước một case study ngắn để mọi người tự chuẩn bị trước. Đến ngày training sẽ có các anh/ chị mentor hướng dẫn các bạn cách tiếp cận case study và kiến thức trọng tâm của cuộc thi. Các bạn nên chủ động đọc và chuẩn bị lời giải của mình để buổi training có hiệu quả hơn.


Phương Trinh cùng đồng đội trong phần giải case study (Nguồn: Fanpage Cuộc thi The Audit Race) 

BISC: Vốn dĩ là một sinh viên với chương trình học về chuẩn mực kế toán US GAAP, bạn đã làm gì để tiếp cận lượng kiến thức thuộc chuẩn mực IFRS và VAS mà cuộc thi hướng tới?

Phương Trinh: Rất may mắn cho mình vì The Audit Race là cuộc thi chú trọng sự phối hợp teamwork, vì vậy, những thiếu sót của mình đã được bù đắp bởi các thành viên của team. Các bạn đã chia sẻ những tài liệu IFRS và ISA để cùng nhau trau dồi kiến thức. Trong quá trình thi, mình đã tham khảo Thông tư 200 để hiểu hơn về cách áp dụng VAS vào bài thi. Concept của cuộc thi năm đó là mảng Risk Assessment của môn F8 - Audit and Assurance, vì vậy mình đã tham khảo phần đó trong sách BPP của ACCA cũng như các bài viết technical articles trên trang của ACCA.

BISC: Tại vòng 3.2, phần hành giả lập thực tế mà các bạn phải giải quyết là gì? Có khó khăn như thế nào, và cách các bạn vận dụng kiến thức để hoàn thành những nhiệm vụ được đặt ra?

Phương Trinh: Vòng 3, vòng 4 và vòng chung kết của cuộc thi sử dụng format case study để mô phỏng các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Năm mình thi thì vòng 3 là công ty nông nghiệp hoạt động dưới sự điều hành của một gia đình, vòng 4 là công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không và vòng chung kết là một doanh nghiệp thương mại. Cá nhân mình nhận thấy đề thi không quá khó mà khá vừa sức. Những vấn đề trong case study đều gắn liền với thực trạng của các doanh nghiệp, vì vậy nên những bạn chưa có kiến thức về kiểm toán hoặc mới tiếp cận kiểm toán chỉ cần cố gắng đọc phần kiến thức trọng tâm và đọc thêm các bài báo liên quan là có thể hoàn thành bài thi.

Với phần hành này thì khăn đầu tiên mà mình gặp là lần đầu tiếp cận với một case study về kế - kiểm, nên sẽ dễ bị bỏ lỡ thông tin quan trọng trong bài vì ôm đồm quá nhiều thông tin một lúc. Khó khăn tiếp theo là lượng kiến thức mình có khi đó chưa đủ để mình hoàn thành bài thi. Giải pháp duy nhất mà mình áp dụng với bản thân khi đó chính là tận dụng quỹ thời gian mình có và đọc những phần kiến thức chuyên môn có liên quan (Ví dụ như phần kiến thức trọng tâm của năm đó là Risk Assessment của môn F8 thì mình sẽ tập trung đọc phần đó) và bám sát đề bài để lời giải của mình không bị lan man. Đề bài yêu cầu gì thì mình sẽ chỉ focus vào làm đúng việc đó chứ không nên tham những tiểu tiết phụ để tránh làm bài của mình trả lời sai trọng tâm của đề.

BISC: Theo quan điểm của Trinh thì vòng thi nào là khó nhất?

Phương Trinh: Theo quan điểm cá nhân, mình thấy vòng thi thứ 4 (vòng chọn ra TOP 6 cho đêm chung kết) là vòng khó nhất. Nếu như vòng 3 và vòng chung kết, thí sinh có thời gian để chuẩn bị bài (khoảng 3-4 ngày) thì vòng 4, thí sinh sẽ giải case study trực tiếp tại phòng thi trong vòng 45 phút dưới sự giám sát và đánh giá của các vị giám khảo. Trong 45 phút đó, mình phải làm sao để scan đề bài lọc ra thông tin quan trọng, rồi thảo luận với các bạn trong team và trình bày câu trả lời lên giấy để kịp thuyết trình. Vì vậy, mình cảm thấy đây là vòng thi thử thách khả năng chịu áp lực thời gian và kỹ năng teamwork rất lớn.


Top 6 The Audit Race 2020 (Nguồn: Fanpage Cuộc thi The Audit Race) 


Nguyễn Phương Trinh cùng bạn bè trong Đêm Chung kết The Audit Race 2020 (Nguồn: Fanpage Cuộc thi The Audit Race) 

BISC: Hãy gửi 1 lời khuyên/1 lời động viên tới các bạn thí sinh năm nay

Phương Trinh: Đầu tiên, mình xin cảm ơn BISC đã giúp mình có cơ hội reflect lại những gì đạt được sau một năm qua. Mình hy vọng rằng những chia sẻ của mình sẽ giúp các bạn thí sinh năm nay có thể tự tin và mạnh dạn tham gia cuộc thi. The Audit Race là một cuộc thi mang tính chuyên môn cao và chú trọng sự phối hợp teamwork hiệu quả - 1 yếu tố cần thiết với nghề kiểm toán. Hơn nữa, qua cuộc thi các bạn sẽ học được rất nhiều, không chỉ về kiến thức mà còn về khả năng time management, teamwork và biết đâu sau cuộc thi bạn còn quen được nhiều người bạn có cùng chí hướng với mình thì sao. Bonus là hãy thi The Audit Race nếu bạn muốn có cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ thầy Hà Long Giang - một giảng viên ACCA siêu có tâm nhé!

Cảm ơn Phương Trinh vì những kinh nghiệm hết sức quý giá, BISC chắc chắn rằng đây sẽ là những chia sẻ hữu ích với các bạn thí sinh đang hoặc sẽ tham gia The Audit Race.

Cuộc thi The Audit Race 2021 đã chuẩn bị hoàn thành vòng thi thứ 2, BISC xin chúc mừng tất cả các thí sinh đã vượt qua vòng thi đầu và xin chúc các bạn giữ vững phong độ để vượt qua những thử thách mới ở các vòng thi tiếp theo nhé!