“Mình đã thi đỗ PwC như thế nào?” - Hà Linh Giang, Internship tại PwC Việt Nam

“Mình đã thi đỗ PwC như thế nào?” - Hà Linh Giang, Internship tại PwC Việt Nam

Xin chào các bạn, mình là Hà Linh Giang, sinh viên năm 4 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Vừa rồi mình mới trải qua 4 vòng tuyển dụng của Big4 và đã may mắn thi đỗ và trở thành thực tập sinh tại PwC. Hy vọng là những chia sẻ của mình dưới đây sẽ giúp các bạn một phần nào đấy ở các kỳ tuyển dụng sắp tới!  

Tổng quan về các vòng tuyển dụng của PwC

Kỳ thi tuyển Intern của PwC sẽ gồm 4 vòng, diễn ra từ khoảng đầu tháng 8 đến giữa tháng 9 là kết thúc. Sau khi thi đỗ và được gặp các bạn ở các vòng thi, mình thấy có kha khá bạn đang học các chuyên ngành khác cũng như có rất nhiều anh chị và bạn là du học sinh cũng tham gia ứng tuyển. Cụ thể, sau khi trải qua 4 vòng thi của PwC thì mình đã đúc kết ra một số kinh nghiệm sau:

Vòng 1: Nộp CV

PwC là một trong hai công ty đóng đơn sớm nhất, do vậy các bạn nên lưu ý một chút về Deadline nhé. Việc điền đơn ứng tuyển khá đơn giản, các bạn chỉ cần Upload CV và sau đó một hệ thống thông minh sẽ Scan CV một cách chính xác tương đối (bất ngờ phết vì mình upload lên 1 bản merge gồm Cover Letter, Bảng điểm ở trường, CV và bảng điểm ACCA nhìn cũng bị rối ý). Ngoài ra các bạn cũng lưu ý một chút là bản Upload lên cần gộp các thông tin như CV, Chứng chỉ, Bảng điểm,... nhé.

Các câu hỏi của PwC khá đơn giản, chủ yếu tập trung vào phần thông tin cá nhân. Lúc nộp CV thì mình không nghĩ gì đâu, nhưng giờ ngẫm lại một chút (ý kiến cá nhân thôi) thì nếu mà thông tin Scan tự động từ CV bị ít quá hoặc bị sai (ví dụ như hệ thống không scan ra điểm trung bình hay không scan ra được thành tích, hoạt động,...) thì mọi người cũng thử chỉnh chút lại CV của mình nhé!

Vòng 2: Test

Sau khi nộp CV một thời gian mình nhận được Email tham gia bài Test của PwC. Thời gian chuẩn bị khá dài và bài Test được thực hiện Online (chắc do dịch Covid-19). Bài thi của PwC không hỏi chuyên ngành mà có 2 phần là Numerical Reasoning và Verbal Reasoning.

  • Phần Numerical Reasoning: đề thi cho 1 biểu đồ, bảng số liệu,... và yêu cầu tính toán. Thời gian mình không nhớ rõ lắm nhưng với mình thì thấy khá là xông xênh so với phần còn lại. Ở phần này thì mình nghĩ là có câu siêu ngắn, chắc cần tầm 15s là có thể hoàn thành, có câu thì mình nghĩ tới 3 4 phút vẫn không ra (nhưng không hiểu sao lúc đó vẫn cắm cúi làm không bỏ). Kết thúc thì mình cũng chỉ còn có 1 câu là không kịp giờ lắm thôi. Để luyện tập cho phần này, các bạn có thể lên mạng search các dạng bài tương tự, làm 1 2 lần cho quen tay trước, lúc đi thi sẽ dễ dàng hơn.
  • Phần Verbal Reasoning: mình hơi khủng hoảng ở phần này. Đề bài cho 1 đoạn văn sau đó cho 1 statement và yêu cầu chọn True, False hay Not Given. Bản thân mình không phải là người giỏi tiếng Anh nên quy trình làm của mình là đọc toàn bộ đoạn văn (đoạn văn khá ngắn) và bỏ qua từ mới không hiểu, sau đó mới đọc statement mà đề bài cho. Để luyện tập phần này, mọi người có thể tìm một số bài IELTS chẳng hạn.

Vòng 3: Group Interview

Bằng một cách nào đó (mình nghĩ là may mắn), mình lọt được vào vòng Group Interview của PwC. Mọi người trong nhóm có nhắn tin và làm quen trước trên Facebook nên cũng khá là tiện. Thực ra vòng này thì mình nghĩ là mọi người nên join hết mình, nghĩ gì nói đó. Mình nghĩ ở vòng thi này thì mọi người nên đến sớm một chút dành thời gian trao đổi với các bạn trong nhóm trước khi vào phòng thi. Vòng thi này theo mình là sẽ đánh giá cao Teamwork, nên cần 2 kỹ năng là nghe và nói: lắng nghe ý kiến của đồng đội mình và đưa ra quan điểm của bản thân. Có rất nhiều thứ để triển khai, ví dụ như đưa ra idea cho đề bài, đưa ra cấu trúc cho bài thuyết trình, lấy ví dụ cho từng phần hay nghĩ một số câu hỏi phản biện. Nhóm mình may mắn là các bạn khá active và hỗ trợ nhau nhiệt tình, thời gian thi là 30 phút và nhóm không dùng hết toàn bộ thời gian đó.

Vòng 4: Final Interview

Mình lọt được vào vòng FI một cách cũng khá bất ngờ. Tuy nhiên, mình có nhiều thời gian để chuẩn bị - đây một trong những điều mà mình rất thích. Các anh chị nói chuyện cởi mở, hỏi han về cuộc sống cá nhân với công việc của mình (vì mình có đi làm thêm chút chút), rồi chia sẻ về PwC. Vòng thi này trôi qua nhanh lắm và các anh chị trao đổi rất thoải mái nên mình còn không cảm thấy giống một vòng thi cơ (khá là chill). Thường thì mình thấy mọi người chuẩn bị cả script cho vòng này, nhưng mà mình nghĩ nó không cần thiết lắm. Be yourself thôi - các bạn cứ nói những gì thật nhất về bản thân mình là được, không cần cầu kỳ lắm đâu, chú ý nói ngắn gọn nữa nhé!

Đánh giá chung về kỳ thi tuyển PwC nói riêng và Big4 nói chung

Mình nghĩ khó khăn nhất trong kỳ thi tuyển dụng vào Big năm nay là vấn đề tâm lý, đồng thời do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều vòng thi được diễn ra dưới hình thức Online nên đôi khi còn khá nhiều bỡ ngỡ nữa. Còn về kiến thức, mình quan sát thấy có rất nhiều bạn đã trang bị cho mình kiến thức Kế toán - Kiểm toán thông qua việc học các chứng chỉ quốc tế như ACCAICAEW, do đó vấn đề về kiến thức không quá là khó khăn. PwC thì không hỏi quá nhiều về kiến thức chuyên ngành nhưng các firms khác trong Big4 thì rất chú trọng tới phần này, do đó mình nghĩ rằng học ACCA là một điều sáng suốt. Mình có theo học chương trình ACCA (tuy nhiên không phải là học tủ để vào Big4 đâu) và mình thấy ACCA giúp mình tự tin hơn nhiều, hiểu về Kế toán - Kiểm toán hơn và dần dần có những định hướng cho mình về sự nghiệp.

Đối với mình thì mình thấy độ khó của các vòng là như nhau nhưng chắc khó khăn nhất là vòng Test. Mình cần hoàn thành câu hỏi liên quan đến Numerical Reasoning và Verbal Reasoning trong thời gian khá ngắn, và tất nhiên có thêm kha khá áp lực nữa. Tuy nhiên, sau khi vượt qua vòng Test thì mình rút ra được 2 kinh nghiệm ở vòng này như sau:

- Một là, sự chuẩn bị: Mình có tham khảo về cấu trúc đề Test và lên mạng tìm một số nguồn tương tự để luyện tập trước. Ngoài ra hôm đi thi thật, phần mềm của PwC cho phép mình có thể luyện tập trước rất nhiều lần trước khi làm bài thi chính thức. Lưu ý là luyện tập lần sau thì đề sẽ khác lần trước nên các bạn nên thử vài lần để quen với dạng đề và có tâm lý vững hơn.

- Hai là, việc phân bổ thời gian hợp lý: Với câu tính toán số học, mình cẩn thận làm từng câu vì thời gian khá nhiều, và có nhiều câu mình nghĩ tính toán cũng nhanh nữa. Còn phần đọc hiểu, mình đọc toàn bộ đoạn paragraph và cố hiểu trước khi đến với từng câu hỏi. Với từ mới hay câu nào còn băn khoăn, mình chọn phương án bỏ qua để tiết kiệm thời gian làm câu sau.

Be yourself - hãy tự tin và luôn là chính mình, chinh phục các Big đi các bạn!

Sau khi thi đỗ PwC cũng như trải qua các vòng thi của các Big, mình nghĩ điều quan trọng nhất là sự tự tin và luôn là chính mình. Ở trong các vòng phỏng vấn, mình luôn tự tin chia sẻ những gì thật nhất về bản thân, mình cũng không ngại chia sẻ về những thất bại hay những thiếu sót của bản thân với anh chị vì mình nghĩ sự chân thành sẽ giúp cuộc nói chuyện vui vẻ và cởi mở hơn. Giờ thì mình chuẩn bị bước vào kỳ Intern của PwC đây. Mình tin là các bạn sẽ thành công, cố lên nhé!