Giả định hoạt động liên tục

Giả định hoạt động liên tục

Năm 2020 & 2021, dịch COVID-19 bùng nổ với diễn biến khó lường trong một khoảng thời gian dài. Chúng ta có những kỳ nghỉ tết “huyền thoại” kéo dài cả trăm ngày, có những kỳ học không được gặp trực tiếp bạn bè mà chỉ nhìn nhau qua màn hình Laptop. Cùng với đó, ngay sau khi dịch bệnh dần ổn định và kiểm soát được, chúng ta thường nghe thấy trên tivi nhắc nhiều đến việc các hãng hàng không, các công ty du lịch đang gặp vấn đề hoạt động liên tục, cũng như Kiểm toán viên cần lưu ý vấn đề này trong quá trình kiểm toán. Vậy, hoạt động liên tục là gì, liệu đây có phải một vấn đề cốt lõi, và tầm quan trọng của hoạt động liên tục đối với một doanh nghiệp như thế nào? Cùng BISC tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1. Hoạt động liên tục - Going Concern là gì?

Một trong các giả định khi lập Báo cáo tài chính theo chuẩn mực Kế toán quốc tế là giả định “Hoạt động liên tục”: Báo cáo tài chính được lập trên giả định doanh nghiệp hoạt động trong trạng thái bình thường trong thời gian ít nhất 12 tháng tiếp theo. Khi đó, chủ doanh nghiệp không có ý định giải thể hay thu hẹp quy mô một cách đáng kể.

Ngược lại với giả định Going Concern là Break-up Basis.

Một số phân biệt cần lưu ý giữa Going Concern Basis và Break-up Basis như sau:

Going concern basisBreak-up basis
- Tài sản sẽ được tính theo giá trị còn lại trên sổ sách kế toán (Net book value)
- Công ty không cần trích lập dự phòng cho các khoản lỗ do hoạt động kinh doanh
- Tài sản sẽ tính theo giá trị thanh lý có thể thu hồi được (scrap value)
- Công ty cần trích lập dự phòng cho các khoản lỗ trong hoạt động kinh doanh trong tương lai

2. Một số dấu hiệu dẫn đến doanh nghiệp không thể hoạt động liên tục

Một số bài báo nhắc đến các vấn đề liên quan đến hoạt động liên tục đối với một số doanh nghiệp hàng không hay du lịch. Vậy, đâu là dấu hiệu cho các vấn đề liên quan đến Going Concern?

Các dấu hiệu có thể liên quan đến việc bản thân doanh nghiệp có ý định muốn giải thể hoặc thu hẹp quy mô đáng kể, hoặc không có khả năng hoạt động bình thường - có doanh thu, có lợi nhuận và có khả năng tất toán các nghĩa vụ pháp lý với chủ nợ và các bên liên quan.

Chúng ta có thể chia thành 3 nhóm dấu hiệu chính bao gồm:

2.1 Các dấu hiệu tài chính:

Khi nhìn Báo cáo tài chính của doanh nghiệp và thực hiện một số tính toán đơn giản, chúng ta nhìn nhận được vấn đề liên quan đến hoạt động liên tục. Đó là khi:

  • Tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn. Khi đó doanh nghiệp không thể thanh toán được các nghĩa vụ nợ phải trả
  • Doanh nghiệp sử dụng nguồn vay ngắn hạn để tài trợ cho các khoản nợ dài hạn, dẫn đến các khoản vay đến hạn thanh toán không thể chi trả và không gia hạn thêm được
  • Doanh nghiệp để xảy ra lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh đáng kể
  • Doanh nghiệp không có đủ khả năng tài chính để đầu tư phát triển các sản phẩm cần thiết, hoặc phục vụ các khoản đầu tư thiết yếu khác

2.2 Các dấu hiệu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh:

Bên cạnh các vấn đề tài chính liên quan đến việc không trả được nợ khi đến hạn hay để lỗ lũy kế, lỗ lớn, doanh nghiệp có thể không đủ khả năng hoạt động liên tục trong điều kiện:

  • Doanh nghiệp mất đi những nhân lực chủ chốt: Ban giám đốc, ban quản lý,... cũng như cá nhà cung cấp quan trọng và không tìm được nguồn thay thế
  • Doanh nghiệp mất đi thị phần trên thị trường

3.3 Các dấu hiệu khác

Bên cạnh đó, có một số dấu hiệu khác cũng cảnh báo cho doanh nghiệp về vấn đề hoạt động liên tục như:

  • Doanh nghiệp không tuân thủ với các yêu cầu và quy định của pháp luật
  • Doanh nghiệp chịu một số ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến việc thay đổi luật pháp và thể chế

Xét ví dụ một hãng hàng không trong mùa Covid - 19. Trong điều kiện nhà nước áp dụng các biện pháp cách ly xã hội trong thời gian dài, nhu cầu du lịch giảm kéo theo nhu cầu đi lại giảm mạnh, doanh thu của các hãng hàng không tụt giảm đáng kể, dẫn đến các khoản lỗ lũy kế đến cả vài nghìn tỷ đồng. Một số dấu hiệu khác cho vấn đề hoạt động liên tục có thể thấy như dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm, nợ ngắn hạn gấp nhiều lần tài sản ngắn hạn,...

3. Các ảnh hưởng của Going Concern tới Báo cáo tài chính và trách nhiệm của Kiểm toán viên

Trách nhiệm của các Kiểm toán viên đối với vấn đề Hoạt động liên tục là: Cần thực hiện các thủ tục kiểm toán để thu thập các bằng chứng đầy đủ và hợp lý để xác định xem việc lập báo cáo tài chính trên Giả định hoạt động liên tục là chính xác hay không. Nếu không chính xác, Kiểm toán viên cần báo cáo lại vấn đề này. Nếu không chắc chắn về giả định Going Concern, kiểm toán viên cần thuyết minh trong Báo cáo Kiểm toán, còn nếu Kiểm toán viên nhận định Giả định Going Concern được sử dụng không chính xác, Báo cáo tài chính sẽ cần được lập theo Break-up basis và cần có thuyết minh cụ thể nhấn mạnh vấn đề này.

4. Các thủ tục kiểm toán để xác minh tính hoạt động liên tục của doanh nghiệp

Đối với từng tổ chức khác nhau, nhóm kiểm toán sẽ cần thiết kế các thủ tục riêng để rà soát và đảm bảo tính hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Một số thủ tục Kiểm toán là:

  • Đọc và rà soát các biên bản họp của Ban giám đốc doanh nghiệp để xác định xem có vấn đề hiện tại hoặc vấn đề tiềm tàng nào liên quan đến dòng tiền hoặc nghĩa vụ thanh toán hay không
  • Rà soát Bảng dự báo dòng tiền để đánh giá xem doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính để hoạt động trong năm tiếp theo hay không. Kiểm toán viên cần chú ý về nguồn tạo ra dòng tiền của doanh nghiệp, ví dụ như từ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường hay từ việc thanh lý tài sản cố định
  • Xác minh các khoản vay và xem xét xem doanh nghiệp có vi phạm các điều mục nào trong hợp đồng vay hay không
  • Rà soát các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ để xem các sự kiện này có ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục của doanh nghiệp hay không
  • Xem xét các phản hồi của các khách hàng chủ chốt, các nhà cung cấp chính và với ngân hàng để xem có dấu hiệu hay bằng chứng nào liên quan đến tranh chấp hay không
  • ...

Trên đây là một số vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động liên tục đối với một tổ chức. Đây là một vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, quyết định không chỉ về tính chính xác của Báo cáo tài chính mà còn ảnh hưởng đến tương lai của chính doanh nghiệp đó. Trong phạm vi của chương trình ACCA, với tầm quan trọng của mình, giả định hoạt động liên tục xuất hiện ở rất nhiều môn học như FA - Financial Accounting, FR - Financial Reporting hay AA - Audit & Assurance. Chúc các bạn ôn tập thật tốt!

➤➤  HÃY ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN VÀ HỌC THỬ CÁC MÔN TRONG CHƯƠNG TRÌNH ACCA NGAY TẠI ĐÂY