Khi từ chối đưa ra ý kiến cũng là một loại ý kiến

Khi từ chối đưa ra ý kiến cũng là một loại ý kiến

Một cuộc kiểm toán BCTC tùy theo quy mô có thể diễn ra trong khoảng thời gian ngắn dài khác nhau. Tuy nhiên, dường như sau cùng, các cuộc kiểm toán đều hướng đến một kết quả chung là phải đưa ra được ý kiến của Kiểm toán viên về việc BCTC của khách hàng có đang được trình bày trung thực hợp lý theo các chuẩn mực hiện hành hay không. Do đó, Ý kiến kiểm toán (Audit Opinion) có vai trò vô cùng quan trọng, quyết định loại hình Báo cáo Kiểm toán (Audit Report) được ban hành, thậm chí đối với các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK, ý kiến kiểm toán hoàn toàn có thể quyết định doanh nghiệp này có được tiếp tục niêm yết hay không.

Hãy tìm hiểu về chủ đề Audit Opinion vô cùng thú vị này và xem các Kiểm toán viên thận trọng ra sao trong từng kết luận của mình cùng BISC nhé!

1. Mục tiêu và các dạng ý kiến kiểm toán

Trước tiên để hiểu rõ về Audit Opinion, chúng ta cần nắm rõ Mục tiêu của Kiểm toán viên và Doanh nghiệp Kiểm toán, cụ thể như sau:

  • Đưa ra ý kiến kiểm toán về BCTC trên cơ sở đánh giá các kết luận rút ra từ bằng chứng kiểm toán thu thập được;
  • Trình bày ý kiến kiểm toán một cách rõ ràng bằng văn bản, trong đó nêu rõ cơ sở của ý kiến đó.

Theo các chuẩn mực Kiểm toán hiện hành, có 02 dạng Ý kiến kiểm toán:

  • Ý kiến Kiểm toán chấp nhận toàn phần (Unmodified Opinion)
  • Ý kiến Kiểm toán không phải Ý kiến chấp nhận toàn phần (Modified Opinion)

Thực tế phát sinh rất nhiều trường hợp, gắn với mỗi trường hợp đó câu hỏi đặt ra là Kiểm toán viên sẽ sử dụng loại ý kiến nào. KTV sử dụng:

  • Unmodified Opinion: Khi KTV kết luận rằng BCTC được lập trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng
  • Modified Opinion: Khi KTV kết luận rằng BCTC, xét trên phương diện tổng thể, vẫn còn sai sót trọng yếu hoặc KTV không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra kết luận dựa trên Bằng chứng kiểm toán (Audit Evidence) thu thập được

2. 4 dạng ý kiến kiểm toán thường gặp

Trong đó với các ý kiến không phải Ý kiến chấp nhận toàn phần, chuẩn mực Kiểm toán quy định và hướng dẫn có 04 dạng ý kiến cụ thể, mà KTV sẽ đưa ra (Dựa trên bằng chứng kiểm toán đầy đủ đã thu thập):

  • Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần nhưng có điểm cần lưu ý (Unqualified Opinion with Emphasis Matter): KTV cho rằng BCTC được lập trung thực và hợp lí trên các khía cạnh trọng yếu nhưng có điểm nhấn mà KTV cho rằng người đọc BCTC nên tập trung sự chú ý để tránh những sự hiểu nhầm không đáng có.
  • Ý kiến kiểm toán ngoại trừ (Qualified Opinion): KTV kết luận các sai sót (riêng lẻ hay tổng hợp lại) có ảnh hưởng trọng yếu (material) nhưng không lan tỏa (not pervasive) với BCTC hoặc KTV không thể thu thập đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở đưa ra ý kiến, nhưng KTV kết luận những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể trọng yếu (material) nhưng không lan tỏa (not pervasive) với BCTC.
  • Ý kiến kiểm toán trái ngược (Adverse Opinion): KTV kết luận là các sai sót (riêng lẻ hay tổng hợp lại) có ảnh hưởng trọng yếu (material) và lan tỏa (pervasive) với BCTC
  • Từ chối đưa ra ý kiến (Disclaimer of Opinion): KTV không thể thu thập đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán và KTV kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu (material) và lan tỏa (pervasive) đối với BCTC

Đặc biệt: Có một số ít trường hợp liên quan đến yếu tố không chắc chắn, KTV phải từ chối đưa ra ý kiến (mặc dù thu thập đủ bằng chứng đến từng yếu tố không chắc chắn riêng biệt) do những ảnh hưởng tương tác có thể có của những yếu tố này và ảnh hưởng lũy kế của chúng lên BCTC.

Nhìn chung ý kiến kiểm toán sẽ có các dạng như trên, việc lựa chọn quyết định nào (đặc biệt là trong 04 ý kiến không phải ý kiến chấp nhận toàn phần) phụ thuộc vào bản chất của vấn đề dẫn đến việc KTV đưa ra ý kiến kiểm toán không phải dạng chấp nhận toàn phần và xét đoán của KTV (Professional Judgement) về ảnh hưởng lan tỏa hoặc những ảnh hưởng có thể có.

3. Các quy định của pháp luật Chứng khoán đối với các công ty niêm yết

Để hiểu rõ tầm quan trọng của ý kiến Kiểm toán, hãy cùng xem xét một số quy định của pháp luật Chứng khoán đối với các công ty niêm yết - những công ty phần đông mọi người có thể tìm kiếm báo cáo Kiểm toán, từ đó xem xét những ý kiến kiểm toán được trình bày như thế nào.

Trong mục Lưu ý về Báo cáo tài chính đối với các doanh nghiệp Đăng ký niêm yết:

  • BCTC năm, Báo cáo kiểm toán vốn phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được UBCKNN chấp thuận. Đối với khoản mục Vốn chủ sở hữu, Vốn điều lệ đã góp phải là Ý kiến Chấp nhận toàn phần. Trường hợp Ý kiến kiểm toán chấp nhận có ngoại trừ thì yếu tố ngoại trừ không phải là khoản mục VCSH (trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có ý kiến về việc chưa thực hiện bàn giao vốn nhà nước) và các khoản mục trọng yếu khác như Tiền mặt, Hàng tồn kho, Tài sản cố định, Các khoản phải thu, Nợ phải trả.
  • Báo cáo tài chính bán niên (trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết là công ty đại chúng quy mô lớn), báo cáo tài chính giữa niên độ (trường hợp SGDCK yêu cầu tổ chức đăng ký niêm yết phải kiểm toán/soát xét) phải được kiểm toán/soát xét bởi tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận và là tổ chức kiểm toán được chấp thuận đã được chọn để kiểm toán báo cáo tài chính năm của tổ chức đăng ký niêm yết. Trường hợp ý kiến kiểm toán là chấp nhận có ngoại trừ thì phải có tài liệu giải thích hợp lý về cơ sở cho việc ngoại trừ này.

Trong Nghị định 58 một trong số các điều kiện khiến Chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết liên quan đến ý kiến kiểm toán:

Điều 60 -h) Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết; dẫn đến nhận định như BISC đã đề cập ban đầu.

Chủ đề về ý kiến kiểm toán trên cũng xuất hiện trong nội dung môn học AA - Audit & Assurance trong chương trình học ACCA, xong có rất ít sự khác biệt giữa chuẩn mực kiểm toán quốc tế và Việt Nam, từ đó học viên cũng dễ dàng tiếp cận môn học này hơn. Đừng quên tìm kiếm bộ BCTC hoàn chỉnh của các doanh nghiệp lớn đang niêm yết để xem các ý kiến kiểm toán được thể hiện như thế nào nhé!

ĐĂNG KÝ HỌC THỬ MIỄN PHÍ MÔN AUDIT & ASSURANCE TẠI ĐÂY