[Kiến thức môn ACCA Audit & Assurance] Tìm hiểu về bằng chứng kiểm toán

[Kiến thức môn ACCA Audit & Assurance] Tìm hiểu về bằng chứng kiểm toán

Trong các giai đoạn của một cuộc kiểm toán, trong quá trình Lập kế hoạch kiểm toán, chúng ta phải đề cập đến một chủ đề quan trọng - “Bằng chứng kiểm toán”. Mặc dù đây không phải là một nội dung thuộc giai đoạn Lập kế hoạch, nhưng sau khi kết thúc lập kế hoạch, kiểm toán viên sẽ tiến hành thực hiện các thủ tục kiểm toán, mà mục đích của hoạt động này là thu thập các bằng chứng kiểm toán. Sau đây, các bạn học viên hãy tìm hiểu về các bằng chứng kiểm toán nhé.

1. Bằng chứng kiểm toán là gì?

Bằng chứng kiểm toán là toàn bộ những thông tin được sử dụng bởi kiểm toán viên trong việc đưa ra các kết luận làm cơ sở cho việc hình thành ý kiến kiểm toán. Bằng chứng kiểm toán bao gồm toàn bộ thông tin trong các ghi chép kế toán để lập Báo cáo tài chính và các thông tin khác được thu thập bởi kiểm toán viên.

2. Mức độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán

Theo ISA, bằng chứng kiểm toán cần phải đảm bảo có đầy đủ hai yếu tố quan trọng:

  • Phù hợp “Appropriate”: Phản ánh chất lượng hoặc tính tin cậy của bằng chứng
  • Đầy đủ “Sufficiency”: Phản ánh số lượng của bằng chứng

Có thể nói, hai yếu tố trên tương ứng như chất lượng và số lượng của bằng chứng kiểm toán và bị ảnh hưởng bởi rủi ro của nội dung đang được kiểm toán. Nếu bằng chứng thu thập được có chất lượng cao thì có thể cần số lượng bằng chứng ít hơn. Tuy nhiên, không thể lấy một số lượng lớn bằng chứng chất lượng thấp để đảm bảo chất lượng và tính tin cậy của bằng chứng được.

3. Cơ sở dẫn liệu của bằng chứng kiểm toán

Kiểm toán viên phải thực hiện thủ tục kiểm toán để thu thập bằng chứng về các cơ sở dẫn liệu của Báo cáo tài chính. Đây là các căn cứ của các khoản mục và thông tin trình bày trong Báo cáo tài chính do Ban Giám đốc công ty khách hàng chịu trách nhiệm lập trên cơ sở các chuẩn mực và chế độ kế toán quy định.

Các cơ sở dẫn liệu được chia làm 2 nhóm:

3.1 Cơ sở dẫn liệu về các nhóm giao dịch, sự kiện và các thuyết minh liên quan

Gồm các cơ sở dẫn liệu sau

  • Tính hiện hữu (Occurence): Các giao dịch & sự kiện đã ghi nhận hoặc trình bày đã thực sự phát sinh.
  • Tính đầy đủ (Completeness): Tất cả các giao dịch và sự kiện cần ghi nhận đã được ghi nhận. Đồng thời, tất cả các thuyết minh liên quan cần được đề cập trong BCTC đã được đề cập.
  • Tính chính xác (Accuracy): Các giá trị hay dữ liệu liên quan đến các giao dịch và sự kiện đã được ghi nhận phù hợp. Các thuyết minh liên quan đã được đánh giá và mô tả phù hợp.
  • Tính đúng kỳ (Cut-off): Các giao dịch và sự kiện đã được ghi nhận đúng kỳ.
  • Tính phân loại (Classification): Các giao dịch và sự kiện đã được ghi nhận vào đúng tài khoản.

3.2 Cơ sở dẫn liệu về các số dư tài khoản cuối kỳ và các thuyết minh liên quan

Bao gồm các cơ sở dẫn liệu sau:

  • Tính tồn tại (Existence): Tài sản và Các khoản nợ phải trả ghi nhận là có tồn tại.
  • Quyền và Nghĩa vụ (Obligations): Doanh nghiệp nắm giữ hoặc kiểm soát các quyền liên quan đến tài sản và có nghĩa vụ đối với các khoản nợ phải trả được ghi nhận.
  • Tính đầy đủ (Completeness): Tất cả các tài sản, nợ phải trả & vốn chủ sở hữu nên được ghi nhận đã được ghi nhận. Đồng thời, tất cả các thuyết minh liên quan cần được đề cập trong BCTC đã được đề cập.
  • Tính chính xác, định giá, phân bổ (Accuracy, Valuation & Allocation): Tài sản, nợ phải trả & vốn chủ sở hữu bao gồm trong BCTC theo giá trị phù hợp. Và các điều chỉnh phân bổ hoặc định giá đều đã được ghi nhận phù hợp. Đồng thời, các thuyết mình liên quan đều được đo lường & mô tả phù hợp.
  • Tính phân loại (Classification): Tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu đều được ghi nhận ở tài khoản phù hợp.
  • Tính trình bày (Presentation): Tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu đã được cộng dồn hoặc không cộng gộp một cách phù hợp. Và các thuyết mình liên quan phải được trình bày phù hợp và dễ hiểu theo quy định.

4. Các thủ tục kiểm toán nhằm thu thập bằng chứng kiểm toán

Kiểm toán viên có thể sử dụng một hoặc nhiều thủ tục kết hợp với nhau. Các thủ tục kiểm toán bao gồm:

  • Kiểm tra về tài sản hữu hình (Inspection of tangible assets)
  • Quan sát (Observation)
  • Kiểm tra tài liệu hoặc ghi chép (Inspection of documentation and records)
  • Phỏng vấn (Enquiry)
  • Gửi thư xác nhận (Confirmation)
  • Tính toán lại (Recalculation)
  • Thực hiện lại (Reperformance)
  • Phân tích (Analyze)

Trên đây là một số kiến thức cần biết về các bằng chứng kiểm toán của bộ môn Audit & Assurance - AA/F8 trong chương trình ACCA. Để tìm hiểu thêm về môn học AA/F8, các bạn có thể học thử MIỄN PHÍ tại đây