[Kiến thức môn ACCA Audit & Assurance] Vấn đề trọng yếu trong kế toán và kiểm toán - Materiality in a nutshell
Trong kiểm toán và kế toán nói chung và trong môn AA/F8 - Audit & Assurance nói riêng, thuật ngữ về “trọng yếu” - materiality luôn được nhắc tới. Kiểm toán viên sẽ đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần - đồng ý với nội dung trên Báo cáo tài chính khi Báo cáo phản ánh trung thực, hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu, tuân thủ theo các quy định về Lập báo cáo tài chính hiện hành.
Vậy, bản chất trọng yếu là gì? Và tại sao cần xem xét vấn đề trọng yếu trong Kiểm toán? Cùng BISC tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Trọng yếu là gì?
Theo khái niệm kế toán, một vấn đề được coi là trọng yếu nếu việc không phản ánh hoặc phản ánh sai trên Báo cáo tài chính có thể ảnh hưởng đến ra quyết định của người sử dụng Báo cáo tài chính.
Xét một ví dụ thực tế: trong trường hợp tổng tài sản của công ty lên tới hàng nghìn tỉ đồng, thì việc bị sai lệch 10 triệu đối với khoản tiền và các khoản tương đương tiền có thể đánh giá là không trọng yếu. Tuy nhiên đối với công ty mới thành lập với tổng tài sản vào khoảng 1 tỉ đồng thì sai phạm trên có thể được đánh giá là trọng yếu.
Hay một ví dụ khác với bản thân chúng ta. Thông thường, khoản tiền 1 - 2 nghìn đồng sẽ được coi là tiền lẻ và đôi khi không quan trọng. Nhưng tưởng tượng khi bạn ra đường với vẻn vẹn 7000 đồng trong tay và đang muốn mua giá 1 que kem là 8000 đồng. Khoản thiếu tiền trở nên trọng yếu vì làm thay đổi quyết định của bạn: từ mua trở thành không thể mua kem để ăn được rồi!
Những sai sót, bao gồm cả việc bỏ sót, được coi là trọng yếu nếu những sai sót này, khi xét riêng lẻ hoặc tổng hợp lại, được xem xét ở mức độ hợp lý, có thể gây ảnh hưởng tới quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính.
2. Quy định về mức độ trọng yếu trong Kiểm toán
Xét về mặt định lượng, không có một quy định cứng nhắc nào về mức độ trọng yếu. Việc thiết lập ra “Level of Materiality” phụ thuộc vào xét đoán của Kiểm toán viên. Thông thường, mức trọng yếu được thiết lập bằng:
- 1% - 2% tổng tài sản
- 5 - 10% lợi nhuận
- 0.5-1 % doanh thu
Việc sử dụng chỉ tiêu phụ thuộc vào đánh giá của nhóm kiểm toán. Nếu doanh nghiệp vừa mới thành lập, doanh thu chưa ổn định và lợi nhuận đang âm, kiểm toán viên có thể đánh giá theo chỉ tiêu % tổng tài sản. Đối với doanh nghiệp hoạt động trong thời gian dài với doanh thu, lợi nhuận ổn định qua các năm, nhóm kiểm toán có thể sử dụng tỷ lệ % doanh thu hoặc % lợi nhuận để thiết lập mức trọng yếu.
Ví dụ, một nhóm Kiểm toán thực hiện xác lập mức độ trọng yếu là 5% lợi nhuận tương đương với 40 triệu đồng. Một sai phạm tạo ra chênh lệch 50 triệu sẽ được đánh giá là sai phạm trọng yếu, trong khi sai phạm chênh lệch 20 triệu sẽ không được coi là sai phạm trọng yếu.
Xét về mặt định tính, có những sai phạm tuy không xác định được giá trị nhưng vẫn được xét là sai phạm trọng yếu, ví dụ như một số sai phạm liên quan đến doanh thu, lợi nhuận; các sai phạm liên quan đến tuân thủ pháp luật hay các vấn đề đạo đức của Ban quản trị doanh nghiệp.
3. Ảnh hưởng của mức độ trọng yếu tới ý kiến Kiểm toán
Sau quá trình kiểm toán, Kiểm toán viên sẽ cần đưa ra ý kiến của mình về tính trung thực, hợp lý của Báo cáo Tài chính theo chuẩn mực Lập Báo cáo tài chính hiện hành.
>>> Xem thêm: Các loại ý kiến kiểm toán
Sai phạm trọng yếu sẽ ảnh hưởng đến ý kiến Kiểm toán, dẫn đến Kiểm toán viên có thể phát hành báo cáo Kiểm toán với ý kiến Chấp nhận toàn phần, Chấp nhận từng phần, Trái ngược hoặc Từ chối đưa ra ý kiến Kiểm toán.
Ví dụ, nếu kiểm toán viên phát hiện sai phạm trọng yếu và lan tỏa và Ban giám đốc từ chối việc điều chỉnh thông tin cung cấp trong Báo cáo tài chính, nhóm Kiểm toán sẽ đưa ra ý kiến trái ngược trong Báo cáo Kiểm toán.
4. Tại sao cần xác lập mức độ trọng yếu
Câu hỏi được đặt ra là, để xác minh tính trung thực và hợp lý trong Báo cáo kiểm toán, tại sao chúng ta cần hiểu về mức độ trọng yếu và đánh giá dựa trên mức độ trọng yếu? Tại sao chúng ta không đi kiểm tra tất cả các giao dịch để có thể đưa ra được ý kiến Kiểm toán chính xác nhất?
Chúng ta có thể thấy rằng, một cuộc Kiểm toán thông thường sẽ bị giới hạn bởi thời gian, phạm vi cũng như một số nguồn lực khác. Số lượng giao dịch, sự kiện kinh tế phát sinh của doanh nghiệp trong một năm là một con số khổng lồ. Ví dụ với chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K, một ngày có vài trăm thậm chí cả nghìn giao dịch, nên việc kiểm toán tuyệt đối 100% là điều không thể với nguồn lực hiện có.
Việc xác định Báo cáo tài chính là trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu sẽ mang lại mức độ đảm bảo nhất định (reasonable assurance). Báo cáo tài chính của doanh nghiệp vẫn có thể tồn tại những gian lận, sai sót nhưng vẫn ở ngưỡng chấp nhận được.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về vấn đề trọng yếu. Đây cũng là vấn đề căn bản trong quá trình tiếp cận môn học AA/F8 - Audit & Assurance. BISC chúc các bạn học tập thật tốt nhé!