[Kiến thức môn ACCA Performance Management] Ứng dụng bảng điểm cân bằng vào quản lý doanh nghiệp

[Kiến thức môn ACCA Performance Management] Ứng dụng bảng điểm cân bằng vào quản lý doanh nghiệp

Đo lường hiệu quả hoạt động là một công việc rất quan trọng ở bất kỳ tổ chức nào. Có rất nhiều phương pháp được ứng dụng trong việc đo lường và ngày hôm nay hãy cùng BISC tìm hiểu về phương pháp sử dụng thẻ Bảng điểm cân bằng để đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhé.

1. Bảng điểm cân bằng (Balanced Score Card) là gì?

Bảng điểm cân bằng là phương pháp quản lý hiện đại dựa trên mục tiêu, theo đó định hướng phát triển của doanh nghiệp được thể hiện bằng các chỉ tiêu, các mục tiêu được tổ chức đó xây dựng một cách hài hòa, cân đối dựa trên các ưu tiên quan trọng của tổ chức, doanh nghiệp.

2. Bốn khía cạnh của bảng điểm cân bằng

2.1 Khía cạnh tài chính

Đối với doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, mục tiêu tài chính luôn được ưu tiên hàng đầu. Mục tiêu tài chính luôn chiếm vai trò quan trọng trong việc phản ánh hiệu quả hoạt động của tổ chức. Bảng điểm cân bằng đưa ra viễn cảnh tài chính thông qua việc kết hợp từng mục tiêu với kết quả đã đạt được cũng như kết quả mong muốn đạt được để phản ánh hiệu quả hoạt động trong quá khứ, từ đó đưa ra các hành động phù hợp trong tương lai. Đặc biệt, các mục tiêu và kết quả tài chính phải được đo lường bằng các thước đo với hệ thống các chỉ tiêu cụ thể như lợi nhuận, doanh thu, vốn, dòng tiền hoạt động, hệ số vòng quay hàng tồn kho, v.v.

2.2 Khía cạnh khách hàng

Đây là khía cạnh tập trung vào mục tiêu hoạt động liên quan đến khách hàng và thị trường nhằm đánh giá hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt khách hàng. Khách hàng luôn có tầm quan trọng đặc biệt đối với các tổ chức, do đó việc đáp ứng nhu cầu của họ là vấn đề luôn được các nhà quản trị lưu tâm. Các thước đo và chỉ tiêu cụ thể phản ánh viễn cảnh này cần chú trọng đến mức độ hài lòng của khách hàng, giữ chân khách hàng, thu hút khách hàng mới, khả năng khảo sát khách hàng, lợi nhuận từ khách hàng, tỷ trọng khách hàng mục tiêu, thị phần trong thị trường…

2.3 Khía cạnh về quy trình nội bộ

Quy trình hoạt động trong nội bộ là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến mọi hành động của tổ chức cũng như hành vi của mỗi cá nhân trong tổ chức, từ đó tác động mạnh đến sự hài lòng của khách hàng và hiệu quả thực hiện các mục tiêu hoạt động của tổ chức. Nội dung quy trình nội bộ phải thể hiện qua các thước đo và chỉ tiêu đo lường cụ thể như thời gian thực hiện một chu trình công việc, thời gian đáp ứng yêu cầu của khách hàng, lượng kỹ thuật công nghệ mới được ứng dụng hướng đến khách hàng, cách thức và chất lượng thông tin đến khách hàng…

2.4 Khía cạnh về học tập và đổi mới

Thông qua các mục tiêu tài chính, khách hàng và quy trình nội bộ, khoảng cách giữa năng lực con người, hệ thống và quy trình tổ chức với mục tiêu cần đạt sẽ bị bộc lộ. Để thu hẹp khoảng cách này, DN sẽ phải tái đầu tư vào việc tăng cường hệ thống công nghệ thông tin, liên kết các quy trình, thủ tục của tổ chức, đặc biệt là nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân viên. Do vậy, học tập và phát triển luôn là chính sách quan trọng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho mỗi tổ chức mà các nhà quản trị nguồn nhân lực nói chung và các nhà quản trị các cấp nói riêng phải luôn đặc biệt lưu ý đến hoạt động này.

3. Những lợi ích khi doanh nghiệp áp dụng thẻ bảng điểm cân bằng

Bảng điểm cân bằng giúp truyền đạt tầm nhìn và chiến lược hữu hiệu trong toàn doanh nghiệp. Thông qua mục tiêu và hệ thống đo lường tương ứng trong từng khía cạnh, doanh nghiệp dễ dàng truyền tải mục tiêu chiến lược đến đội ngũ quản lý và nhân viên.

Bảng điểm cân bằng tạo ra một mô hình khái quát về chiến lược, giúp nhân viên thấy được vai trò và cách thức mà họ đóng góp vào mục tiêu chung của tổ chức thông qua hệ thống mục tiêu được liên kết từ công ty đến cá nhân. Chính vì vậy, nó hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện việc liên kết mục tiêu giữa các bộ phận, nhóm, cá nhân với mục tiêu chung của tổ chức.

Việc triển khai bảng điểm cân bằng giúp tăng cường liên kết giữa chiến lược và chương trình hành động, phân bổ nguồn lực; thúc đẩy việc phản hồi thông tin chiến lược. Một trong những yếu đó giúp bảng điểm cân bằng có được lợi ích trên là do quá trình triển khai đòi hỏi phải tích hợp toàn bộ quá trình hoạch định chiến lược, phân bổ nguồn lực. Quá trình triển khai bảng điểm cân bằng gắn với việc thiết lập các mục tiêu cụ thể, dài hạn, mang tính định lượng và đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện việc đánh giá kết quả thực hiện chiến lược định kỳ.

Trên đây là những thông tin cơ bản, giúp các bạn học viên tiếp cận với những kiến thức liên quan đến thẻ bảng điểm cân bằng. Đây cũng chính là một trong những nội dung quan trọng trong môn học PM/F5 - Performance Management của chương trình ACCA. BISC xin chúc các bạn học viên học tập tốt!

Đăng ký HỌC THỬ MIỄN PHÍ môn PM/F5 tại đây


➤➤ Xem thêm: [Kiến thức môn ACCA Financial Reporting] Lợi thế thương mại - Goodwill