3 tháng thực tập tại Big4 của “X-man” Đỗ Thành Đạt có gì đặc biệt?

3 tháng thực tập tại Big4 của “X-man” Đỗ Thành Đạt có gì đặc biệt?

Đỗ Thành Đạt - sinh viên năm 3 chuyên ngành Kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng thời được biết đến là một Siêu trí tuệ Việt Nam 2021 - thí sinh giữ kỷ lục 150/150 điểm với thử thách “Chòm sao tri thức” được nhiều người đánh giá là bất khả thi. Chưa dừng lại ở đó, Đỗ Thành Đạt còn là một cái tên liên tục được nhắc tới trong các cuộc thi lớn, trong đó phải kể đến như:
  • Học bổng chương trình “ACCA Futurist Scholarship 2020” – Được tổ chức bởi ACCA Việt Nam
  • Pass chương trình “Deloitte Passport 2021”
  • Top 10 Cuộc thi “Pathway to Strategic Business Leader” 2022 – EY Việt Nam; ACCA Việt Nam và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức
  • Được đề xuất bình chọn trong danh sách "Rising gen Z" – We Choice Awards 2020
  • Đại sứ truyền thông – Cuộc thi “Marketing on air 2021” được tổ chức bởi CLB Marketing MCG NEU.
  • Đại sứ truyền thông – Chiến dịch “Break the NORM” – Do Be Brave, Bravers, AIESEC và Đại Học Greenwich Việt Nam phối hợp tổ chức

Và đặc biệt, anh chàng này đã trở thành một trong số rất ít sinh viên xuất sắc nhận được offer thực tập từ Deloitte Việt Nam - một trong bốn Big4. Ngay sau khi Đạt kết thúc thời gian thực tập, BISC đã có một cuộc trò chuyện ngắn với Đạt để nhờ Đạt chia sẻ về hành trình 3 tháng thực tập tại Big4.


Học viên BISC Đỗ Thành Đạt vừa kết thúc quá trình thực tập kéo dài 3 tháng tại Deloitte Việt Nam

Trước đây, trong một cuộc trò chuyện với BISC sau khi nhận được offer từ Deloitte, Đạt có chia sẻ về động lực thi Big4: “Để nói về động lực lớn nhất giúp mình quyết tâm thi Big4 từ năm 3 thay vì lên năm 4 thì mình nghĩ đó là việc mình muốn có thể trải nghiệm, tiếp xúc với quy trình tuyển dụng của Big4 sớm hơn và cũng là để làm hành trang cho năm 4. Thú thực là ban đầu khi đăng ký các chương trình này mình cũng không nghĩ rằng có thể vượt qua vì số lượng các bạn sinh viên tham gia rất đông và các bạn thì siêu giỏi, mình chỉ nghĩ rằng sẽ tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm từ chương trình đó thôi (cười). Hơn nữa mình cũng lên kế hoạch sẽ hoàn thành 9 môn trong chương trình ACCA trước khi ra trường nên khoảng thời gian năm 4 sẽ tập trung học ACCA hơn, do đó mình đã quyết tâm xuất phát sớm hơn các bạn khác.”


Khi được hỏi cảm nhận về hành trình 3 tháng tại Big4 tuy “ngắn mà dài” ấy, Đạt chia sẻ: “Nhìn chung thì 3 tháng thực tập ở Deloitte là một khoảng thời gian rất vui trong quãng đời sinh viên của mình, mình đã học tập được rất nhiều điều từ 3 tháng ấy, không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng. Môi trường ở đây rất chuyên nghiệp và anh chị cũng rất cởi mở và thân thiện, sẵn sàng chia sẻ và training cho tụi mình nhiều thứ mà không nề hà bất kỳ điều gì”

Khi mà đa số thực tập sinh tại Big4 là các bạn sinh viên năm 4 thì Đạt lại là một trong số các “em út” tại đây khi mới chỉ bước sang năm thứ 3 Đại học. Đạt tâm sự: “Khi làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp như Deloitte, xung quanh hầu hết là các anh chị lớn tuổi, dày dặn kinh nghiệm, đôi lúc mình cũng cảm thấy tự ti vì kiến thức chuyên ngành lẫn kinh nghiệm làm việc của mình chưa có nhiều. Tuy nhiên mình nghĩ rằng đây là khoảng thời gian vàng để mình có thể chủ động học hỏi kiến thức, cách làm việc cũng như là tích lũy dần kinh nghiệm thực tế. Và may mắn thay, các anh chị trong công ty rất sẵn lòng chia sẻ kiến thức cũng như hướng dẫn chúng mình nhiệt tình nên đã xóa bỏ được những rào cản về sự tự ti ấy, cũng như mình dần làm quen với công việc hơn”

Trong kỳ thực tập vừa qua, Đạt được đi cả Bank và Non-bank, do đó Đạt chia sẻ rằng cũng được học cách làm nhiều phần hành, điển hình với Bank đó là Loan review, với khách hàng Non-bank thì được giao các phần hành cơ bản như: Tiền; TSCĐ; Tiền lương; Chi phí trả trước; Các khoản mục về chi phí; doanh thu cơ bản như 641, 642; Các khoản phải thu: 131, 138; Các khoản phải trả: 338;... Và khi có những khúc mắc ở phần hành nào thì Đạt đều được các anh chị hỗ trợ để có thể hoàn thành phần hành đó. Đây đều là những phần kiến thức cơ bản và quan trọng mà các bạn được học trên trường cũng như trong chương trình ACCA, điển hình là ở môn FA/F3 - Financial Accounting, FR/F7 - Financial Reporting, AA/F8 - Audit and Assurance. Đạt cũng khẳng định: “Các kiến thức được học ở trường và trong các môn ACCA (F3, F7, F8) đã giúp mình hiểu rõ được bản chất của các thủ tục kiểm toán khi thực hành thay vì làm theo lối mòn”

Khi được hỏi về ưu - nhược điểm khi đi thực tập tại Big4 - một môi trường đầy tính chuyên nghiệp khi mới là sinh viên năm 3, Đạt trả lời: “Mình nghĩ nhược điểm lớn nhất khi đi thực tập năm 3 đó chính là việc chưa có nhiều kiến thức chuyên ngành cũng như kinh nghiệm làm việc. Bên cạnh đó, cũng cần cân đối thời gian giữa việc đi làm với việc học trên trường vì thông thường năm 3 bắt đầu học nhiều môn chuyên ngành nên cũng khá nặng. Tuy nhiên việc đi thực tập từ năm 3 cũng có những ưu điểm, chẳng hạn như việc có thể vận dụng được lý thuyết đang học trên trường trong thực tế cùng với đó có thể tích lũy dần kinh nghiệm ngay trong khoảng thời gian này.”

Để khắc phục những nhược điểm đó, Đạt nghĩ rằng: “Ngoài việc bổ sung cũng như là học nghiêm túc kiến thức chuyên ngành thì cũng cần sắp xếp và phân bổ thời gian học và đi làm một cách hợp lý để có thể duy trì được việc thực tập mà vẫn hoàn thành được việc học.”

Đỗ Thành Đạt cũng chia sẻ, hiện tại bạn ấy đã hoàn thành được 60% kế hoạch của bản thân như kế hoạch ban đầu và đang cố gắng ôn tập cũng như chuẩn bị cho lộ trình này để có thể hoàn thành các môn F trước khi ra trường. Tới đây Đạt vẫn sẽ tiếp tục lựa chọn BISC là người bạn đồng hành trên chặng đường tiếp theo của mình.