[Kiến thức môn ACCA Audit and Assurance] Những nguyên tắc cơ bản về chuẩn mực đạo đức trong Kiểm toán

[Kiến thức môn ACCA Audit and Assurance] Những nguyên tắc cơ bản về chuẩn mực đạo đức trong Kiểm toán

Với đặc thù ngành nghề tương đối “nhạy cảm”, có thể nói Kiểm toán là một lĩnh vực có sức ảnh hưởng rất lớn. Vai trò của người KTV là xác minh và làm gia tăng độ tin cậy cho BCTC, mà đối tượng sử dụng BCTC lại rất nhiều. Người làm Kiểm toán do đó cần phải có trách nhiệm với ý kiến được đưa ra, ý kiến đó phải đứng trên góc độ độc lập khách quan để suy xét. Thử tưởng tượng một trường hợp Kiểm toán viên sở hữu cổ phiếu của một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và KTV này đi kiểm toán cho chính công ty đó, liệu chúng ta có thể tin tưởng kết quả của cuộc kiểm toán này không?

Để ngăn ngừa các hành vi trên, Bộ chuẩn mực đạo đức - Code of Ethics ra đời và trở thành Kim chỉ nam cho các Kiểm toán viên trong quá trình hành nghề.

Đối với bài thi ACCA, các bài tập liên quan được xuất hiện ở phần trắc nghiệm và cả phần tự luận.

>>> Tham khảo các dạng bài thi trắc nghiệm môn Audit and Assurance (AA/F8) tại đây

>>> Tham khảo các dạng bài thi tự luận môn Audit and Assurance (AA/F8) tại đây

Trong bài viết dưới đây, BISC sẽ giới thiệu cho các bạn 5 nguyên tắc Đạo đức cơ bản được ACCA giới thiệu trong môn học Audit and Assurance nhé!

1. Integrity - Tính chính trực

Tính chính trực yêu cầu các thành viên trong nhóm kiểm toán phải thẳng thắn và trung thực trong tất cả các mối quan hệ công việc và quan hệ kinh doanh. Kiểm toán viên không nên liên quan một cách có chủ ý đến những thông tin mà họ cho rằng chúng có chứa nội dung sai lệch hoặc gây hiểu lầm nghiêm trọng.

Ví dụ, nếu bạn là một thành viên trong nhóm kiểm toán. Bạn nắm được thông tin tập đoàn X - khách hàng của bạn - vừa đầu tư một thiết bị công nghệ hiện đại và đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn của công ty. Lúc này, bạn lại bỏ tiền ra mua một lượng lớn cổ phiếu của công ty, và khuyến khích anh chị em gia đình mình cũng mua cổ phiếu. Đây là một hành vi vi phạm tính chính trực của kiểm toán viên.

2. Objectivity - Tính khách quan

Tính khách quan yêu cầu các thành viên trong nhóm kiểm toán không được phép để cho những phán đoán về chuyên môn bị chi phối bởi thành kiến, xung đột lợi ích hoặc ảnh hưởng quá mức từ một bên thứ ba. Kiểm toán viên cần công bằng, tôn trọng sự thật và không được thiên vị hay có thành kiến, cần tránh các mối quan hệ có thể dẫn đến vi phạm tính khách quan. 

Ví dụ như, trong cuộc kiểm toán, chúng ta không nên nhận quà hoặc tặng quà, dự các buổi liên hoan xa xỉ có thể làm ảnh hưởng đáng kể tới các xét đoán về chuyên môn nghề nghiệp hoặc ảnh hưởng đến những người làm việc cùng mình.

3. Professional competence and due care - Đáp ứng được tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn và kỹ năng hành nghề; duy trì thái độ thận trọng trong công việc

Kiểm toán viên có nhiệm vụ liên tục duy trì, cập nhật và nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong hoạt động thực tiễn, trong môi trường pháp lý và các tiến bộ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu công việc.

Đồng thời, Kiểm toán viên phải thực hiện công việc kiểm toán với đầy đủ năng lực chuyên môn cần thiết, cùng sự thận trọng và tinh thần làm việc chuyên cần nhất để đảm bảo mang lại dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp nhất, chất lượng nhất tới khách hàng và người sử dụng lao động.

Ví dụ, hàng năm, các hội viên ACCA - ACCA Member vẫn cần phải học và cập nhật thêm kiến thức để đảm bảo rằng những năng lực chuyên môn hiện tại đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp cũng như sự thay đổi không ngừng của thị trường. Hay tại một số công ty Kiểm toán trong và ngoài nước, việc thăng tiến trong sự nghiệp và có một vị trí nhất định như Senior, Manager hay Director đòi hỏi mọi cá nhân cần học một số chứng chỉ quốc tế, hoặc cao hơn cần hoàn thành và được cấp chứng chỉ.

4. Confidentiality - Đảm bảo tính bảo mật thông tin

Kiểm toán viên cần tôn trọng việc bảo mật thông tin có được trong quá trình kiểm toán, không được phép tiết lộ bất cứ thông tin nào cho bên thứ ba khi chưa được phép của người có thẩm quyền thích hợp.

Ví dụ, trong một buổi tối đi chơi với bạn bè, bạn có thể tiết lộ thông tin về việc tiếp quản hoặc những tiến bộ công nghệ của khách hàng, hoặc thậm chí là mức lương của các giám đốc. Hay trong quá trình đi công tác, bạn khoe với bạn bè của mình về khách hàng đang được kiểm toán, như các vấn đề mà khách hàng đó đang gặp phải hay những sai phạm trong Báo cáo tài chính của họ. Hoặc một lỗi sai thường gặp hơn là những lần “check-in” tại công ty khách hàng và vô tình để lộ một số thông tin quan trọng lên Facebook hay Instagram. Đây đều là những hành động vi phạm tính bảo mật thông tin.

5. Professional Behavior - Giữ thái độ ứng xử chuyên nghiệp

Kiểm toán viên cần tuân thủ các luật và quy định có liên quan, đồng thời tránh mọi hành động gây mất uy tín nghề nghiệp.

Ví dụ như trong thời gian thực tập tại công ty, các bạn nên chú ý đến cách ăn mặc sao cho lịch sự và chuyên nghiệp nhất có thể, tránh mặc áo không tay, không cổ hay quần/váy quá ngắn trong môi trường công sở. Khi tham dự các bữa tiệc chung, chúng ta có thể ăn mặc nổi bật hơn, thoải mái hơn khi làm việc trong giờ hành chính, tuy nhiên cũng cần tuân thủ theo đúng dress code (là quy định về màu sắc, kiểu dáng,... trang phục khi tham gia một bữa tiệc chung).

Trên đây là 5 nguyên lý cơ bản trong học phần Đạo đức trong môn học Audit and Assurance (AA/F8) trong chương trình học tại BISC. Bạn đọc có thể tham khảo bài giảng chi tiết về nội dung này tại website của BISC: https://hockiemtoanonline.edu.vn/

Chúc các bạn học tập thật tốt và đạt kết quả cao trong bài thi!