Những điều cần biết về kỳ tuyển dụng Fresh Graduate Recruitment của Big4
Thời điểm này, chắc hẳn các bạn đã hoặc đang thấy các thông tin tuyển dụng của chương trình “Graduate Recruitment”công ty BIG4 trên các trang mạng truyền thông. Tuy nhiên, không phải bạn sinh viên nào cũng biết về kỳ tuyển dụng này, liệu nó khác gì so với kỳ tuyển Intern hay không? Hãy cùng BISC tìm hiểu ngay sau đây nhé!
1. Kỳ tuyển dụng Fresh Graduate Recruitment là gì? Kỳ tuyển dụng này dành cho đối tượng nào?
Trước hết, ta cần biết các kỳ tuyển dụng của các công ty BIG4. Các công ty BIG4 cũng như một số công ty Non-big có hai kỳ tuyển dụng lớn trong năm là Internship Recruitment Program và Fresh Graduate Recruitment Program. Trong đó:
- Kỳ Internship Recruitment Program dành cho các bạn sinh viên năm 3, năm cuối đại học, sinh viên mới tốt nghiệp hoặc tốt nghiệp đại học trong vòng một năm chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính, luật, thuế, ngân hàng, ngoại thương và các ngành liên quan, thường diễn ra bắt đầu vào cuối tháng 8 - đầu tháng 9
- Kỳ Fresh Graduate Recruitment Program dành cho những sinh viên đã tốt nghiệp, không giới hạn về độ tuổi. Kỳ tuyển dụng này thường bắt đầu vào tháng 3, kết thúc vào tháng 6 và sau đó sẽ đưa vào làm việc chính thức từ tháng 9. Những năm gần đây, do số lượng các bạn sinh viên trải qua kỳ Intern được giữ lại tăng lên, nên số lượng các bạn sinh viên được tuyển qua kỳ Fresh giảm đi, vì thế kỳ tuyển dụng này chỉ lấy khoảng trên dưới 10 người, tỉ lệ chọi tăng lên đáng kể so với các năm trước.
2. Quy trình tuyển dụng của kỳ Fresh của Big4
Tương tự các kỳ tuyển dụng khác, để trở thành một nhân viên của BIG4 qua kỳ tuyển dụng Fresh, các thí sinh sẽ phải trải qua bốn vòng thi bao gồm:
2.1. Vòng 1: Hồ Sơ
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Application form (theo mẫu có sẵn của công ty);
- Cover letter;
- CV;
- Các chứng chỉ, giấy khen và giấy tờ kèm theo.
Hình thức nhận đơn: Online.
Thí sinh sẽ phải điền các thông tin của mình trong Application form của từng công ty, sau đó, thí sinh đính kèm các hồ sơ đã chuẩn bị theo yêu cầu. Theo kinh nghiệm, vòng này sẽ loại những hồ sơ quá kém chứ không phải để tìm ứng viên xuất sắc nhất. Do đó, theo chia sẻ của các nhà tuyển dụng Big4 thì chỉ cần chịu khó đầu tư thời gian làm CV thật chất lượng, việc vượt qua vòng đầu tiên không quá khó. Đương nhiên một CV chất lượng sẽ yêu cầu từ việc trình bày, bố cục cho đến nội dung trong CV đều cần phải chỉn chu.
2.2. Vòng 2: Thi test đánh giá năng lực
Mục tiêu của vòng test kiểm tra kiến thức sẽ phụ thuộc vào mục đích tuyển dụng và chiến lược nhân sự và văn hóa của từng công ty. Ngoài những kiến thức chuyên môn về Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tài chính thì ở vòng thi này đa phần các công sẽ đánh giá khả năng tiếng Anh, hiểu biết xã hội, viết luận và cũng có thể thêm phần đánh giá IQ/EQ. Yêu cầu về ngoại ngữ của các công ty BIG4 cũng không giống nhau:
- EY thường muốn các ứng viên toàn diện khi đề thi có sự cân bằng giữa tiếng Anh, logic và chuyên ngành.
- Deloitte thường muốn các ứng viên hiểu biết sâu về chuyên ngành.
- KPMG và PwC thường muốn ứng viên của mình thật giỏi về tiếng Anh và tư duy logic.
2.3. Vòng 3: Phỏng Vấn Nhóm
Trong vòng phỏng vấn nhóm, các thí sinh sẽ được giao một Case study để cùng nhau phân tích, giải Case study đó và trình bày với nhà tuyển dụng bằng tiếng Anh. Chủ đề thảo luận có thể là kiến thức xã hội thông thường hoặc kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên vòng này thường được lược bỏ hoặc thay thế bằng một vòng phỏng vấn online. Tuy nhiên, chỉ cần giữ thái độ tích cực, tự tin, xử lý bình tĩnh thì cũng không quá đáng ngại.
2.4. Vòng 4: Phỏng Vấn Cá Nhân
Kỳ tuyển Fresh Graduate thường yêu cầu cao về kỹ năng và có tỷ lệ chọi cao hơn kỳ tuyển Internship hàng năm. Trong phỏng vấn cá nhân, các nhà tuyển dụng đặt ra các câu hỏi về kiến thức chuyên ngành, kiến thức xã hội hoặc văn hóa của công ty để xem sự quan tâm của ứng viên đối với công ty như thế nào.
3. Sự khác biệt của kỳ tuyển dụng Fresh so với kỳ tuyển dụng Intern tại Big4
Như đã đề cập ở trên, kỳ tuyển dụng Fresh Graduate Recruitment dành cho những sinh viên đã tốt nghiệp, do đó yêu cầu về kỹ năng và kiến thức sẽ cao hơn so với kỳ tuyển dụng Intern, nơi dành cho các bạn sinh viên năm 3, năm 4 còn ít kinh nghiệm hơn.
Kỳ tuyển dụng Intern thường bắt đầu vào tháng 8 - tháng 9, kết thúc vào cuối năm và sau 3 tháng thực tập sẽ kết thúc vào tháng 3. So với kỳ tuyển dụng Intern, kỳ tuyển dụng Fresh rút ngắn được thời gian thực tập bởi sau khi đỗ vào công ty, ứng viên sẽ trở thành nhân viên chính thức.
Khác với kỳ Intern, ngoài những kỹ năng, kiến thức liên quan đến chuyên ngành, kiến thức xã hội, tiếng Anh và kỹ năng phân tích dữ liệu, kỳ Fresh còn yêu cầu các ứng viên phải có kinh nghiệm đi làm, điều này đem đến khá nhiều khó khăn bởi ở thời điểm là một sinh viên mới ra trường, việc đi làm từ trước đó là không phổ biến. Chính điều này làm cho kỳ tuyển dụng Fresh trở nên khắc nghiệt và có yêu cầu cao hơn, tuy nhiên cũng đem lại hiệu quả tương xứng.
Để sẵn sàng bước vào các kỳ tuyển dụng tại công ty BIG4, các bạn có thể theo dõi fanpage và website của BISC để tìm hiểu về các khóa học ACCA, cùng với nhiều khóa học cung cấp kỹ năng dành cho sinh viên để làm quen với môi trường tuyển dụng và nhận được những định hướng cùng kỹ năng cần thiết. Chúc các bạn thành công!