Kinh nghiệm thi Big4 “xương máu” của cựu học viên BISC – Lương Linh Giang

Kinh nghiệm thi Big4 “xương máu” của cựu học viên BISC – Lương Linh Giang

Lương Linh Giang - một cựu học viên của BISC đã vừa hoàn thành 3 tháng thực tập ở KPMG tại Audit Department. Trước đó chị từng apply cả 4 big và chắc hẳn đã có những trải nghiệm cũng như rút ra cho bản thân mình những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu. Hãy cùng BISC lắng nghe những chia sẻ của chị nhé!  

Lương Linh Giang, Internship in Audit Department – KPMG Việt Nam

Chào các em, chị là Giang, vừa mới kết thúc 3 tháng intern tại Audit DepartmentKPMG. Vậy là cả 4 big đã mở đơn rồi và chị nghĩ giai đoạn căng thẳng cày cuốc cho kỳ thi Big 4 cũng sắp sửa bắt đầu. Năm ngoái, ở vị trí của các em, chị cũng trải qua rất nhiều những băn khoăn, thắc mắc không biết mình nên làm gì, học gì để chuẩn bị tốt nhất cho kì thi này. Vì vậy bây giờ khi đã là người trải qua cái thử thách ấy, chị cũng muốn chia sẻ chút ít kinh nghiệm của mình, hi vọng sẽ giúp đỡ được các em phần nào trong quá trình ôn luyện và chuẩn bị cho kỳ thi này.


Lương Linh Giang - thực tập sinh tại KPMG

Đầu tiên, nói sơ qua một chút về kết quả, đợt ý chị apply cả 4 big (vì chị cũng chưa xác định cụ thể là sẽ aim hẳn vào đâu cả), và cuối cùng, sau hơn một tháng try hard, chị được offer từ PwC, KPMG, EY chị thi đến hết vòng 3 (PV nhóm) vì lúc ý nhận được offer từ KPMG rùi nên cũng ko tiếp tục tham gia vòng cuối nữa, còn Deloitte thì chị “tạch” sau vòng test. Vì vậy nên trong bài viết này, chị sẽ review quy trình apply bộ phận Audit của cả 4 big, đặc biệt là PwCKPMG.

Không dài dòng nữa, chị sẽ bắt đầu luôn nhé!

Kinh nghiệm thi Big4 qua từng vòng

Vòng 1: CV

Năm ngoái, EY, KPMG, PwC thì đều yêu cầu nộp CV thôi, còn app KPMG thì chị phải điền một cái form rất dài, ngoài những câu hỏi thông tin cá nhân đơn thuần còn hỏi thêm những câu kiểu như Mục tiêu ngắn hạn, dài hạn của em là gì? Em từng tham gia hoạt động xã hội, ngoại khóa nào không và học được gì từ đó? Trong các giá trị cốt lõi của KPMG, em ấn tượng với giá trị nào nhất và tại sao? Nói chung đối với vòng 1 thì KPMG là khó nhằn nhất, điền đơn rất mất thời gian, vậy nên đừng “lầy” để đến muộn muộn, sát deadline mới app nhé, dễ hoảng lắm đấy. Đối với loại đơn kiểu online này thì chị chỉ có lời khuyên là hãy trả lời một cách có tâm nhất có thể thôi, câu cú đầy đủ, súc tích, dễ hiểu, đúng ngữ pháp, đừng trả lời quá cụt lủn, nhất là với những câu chị lấy ví dụ như trên. Hãy dành thời gian suy nghĩ đàng hoàng về câu trả lời của mình rồi hẵng viết vào form nhé vì sau này đến vòng cuối, người phỏng vấn sẽ dùng chính cái thông tin mình viết vào đó để hỏi lại mình. Chị thấy vòng này của KPMG, tuy khá mất thời gian, nhưng nhờ đó cũng tiện cho mình chuẩn bị trước luôn cả phần individual interview, vì em cũng sẽ có thời gian suy nghĩ về bản thân mình nhiều hơn

Đối với 3 firm còn lại thì chủ yếu yêu cầu CV, có một số tips sau đây:

  1. Thông tin ghi trong CV phải liên quan đến vị trí mình ứng tuyển, những thông tin mà em nghĩ rằng nhà tuyển dụng sẽ đặc biệt quan tâm (VD: kinh nghiệm làm việc có liên quan đến kế toán, tài chính, hành chính,,.. giải thưởng các cuộc thi chuyên ngành kế kiểm tài chính mà em đạt được, nếu thi ACCA, ICAEW và pass được môn nào thì em ghi vào đó, điểm cao thì bôi đậm vào cho nổi bật, ở đoạn giới thiệu About me thì ghi vào đấy những tính cách của em mà em cho là nó phù hợp với vị trí em apply, nếu kiểm thì vd như là “can work under pressure, attention to details, good teamwork skills,…). Tóm lại, là phải hướng đến cái cốt lõi, đó chính là cái vị trí, cái nghề nghiệp mà em đang apply và từ đó đảm bảo thông tin mình cho vào CV chỉ xoay xung quanh cái đấy thôi nhé.
  2. Đối với các Experience thì nhớ có phần mô tả ngắn gọn về nội dung công việc của mình (VD: em từng làm chủ tịch CLB ABC gì đấy thì em nói sơ sơ là em đã đảm nhiệm những trọng trách gì, giúp CLB làm được những gì, hoặc từng làm thực tập sinh ở một công ty nào đó thì em nói rõ công việc của em ở công ty đó)
  3. Viết CV một cách ngắn gọn, súc tích, đừng để quá lan man. CV nên maximum 2 trang thôi nhé!
  4. Dành thời gian chăm chút cho hình thức CV hoàn chỉnh nữa, VD như chọn font chữ dễ nhìn, rõ ràng, heading font to, content font nhỏ, màu CV nên chuyên nghiệp (chọn luôn mấy màu chủ đạo của logo firm cũng được), các paragraph thì nhớ để jusify (căn đều hai bên) nhìn cho gọn gàng,…
  5. Ngoài ra, các em có thể dành thời gian viết thêm Cover Letter, chủ yếu là bày tỏ lý do tại sao mình ứng tuyển vào công ty và bản thân mình có những điểm mạnh gì phù hợp với công ty, hoặc em có thể làm rõ hơn những mục mà mình đã ghi trong CV (chị nhấn mạnh là LÀM RÕ HƠN, chớ liệt kê lại hoặc lặp lại những điều đã ghi trong CV), và nên bày tỏ nguyện vọng, khát khao muốn cống hiến những gì khi vào công ty. (Chị nhớ là Deloitte Passport có yêu cầu viết thêm Cover Letter)
  6. Dành thời gian chuẩn bị đầy đủ các evidence cho các thông tin mình ghi trong CV (làm audit quan trọng nhất là evidence mà), cụ thể như bảng điểm, chứng nhận thành tích, các chứng chỉ liên quan rồi nhớ đính kèm, nộp cùng với CV nhé.

Vòng 2: Test

Bắt đầu vòng này thì mỗi firm một khác. Lời khuyên của chị chỉ đơn giản thôi, hãy dành thời gian luyện tập, trau dồi trước các vòng test. Năm nào review về đề thi các big cũng "nhan nhản" trên mạng, và việc chị làm trước khi thi chỉ đơn giản là ôn luyện lại những kiến thức liên quan đến đề thi ấy. Cụ thể như sau:

- PwC có vòng test “độc đáo” nhất, đó là Numerical và Verbal reasoning. Tuy nhiên đây là loại test khá phổ biến của các international firms, vậy nên các em search google là ra cả đống đề cho em luyện tập. Ko biết các em thế nào nhưng đối với chị, nếu như chị ko làm thử mấy đề trước ở nhà chắc đi thi chị “toang” luôn, vì đề PwC khó ở cái time limit, các em phải tư duy, tính toán thật nhanh trong một giới hạn thời gian cực ngắn, nên nếu không luyện cho quen đi thi rất dễ bị hoảng và thể hiện ko tốt. Nhiều người nói rằng đề PwC khó nhất vì nó thiên hẳn về thứ nằm ngoài những gì mình học nhưng thực ra nếu dành thời gian luyện một tí thì việc pass cũng nằm trong khả năng.

- 3 firms còn lại thì chị dành thời gian đọc lại kiến thức chuyên ngành (chủ yếu xoay quanh các môn F3, F7, F8) của ACCA. Ngoài các kiến thức chuyên ngành thì KPMG có thêm bài test tiếng Anh, EY thì hỏi cả ty tỷ thứ trên đời (tài chính, thuế, rồi kiến thức xã hội có hết: VD như Snoop Dog người nước nào?), và EY với Deloitte thì còn yêu cầu viết thêm bài luận nữa (chị quên mất đề bài luận rồi). Nhưng quan trọng và chiếm tỷ trọng cao nhất vẫn là kiến thức kế kiểm, nên nhớ hãy dành thời gian học thật chắc kiến thức F3, F7, F8 nhé!

Vòng 3: Group Interview

Ở vòng này thì chị sẽ review sơ qua về 3 big đó là EY, KPMG và PwC nhé. Đề thi vòng Group cũng khá đa dạng. Với PwC thì cả nhóm thảo luận về một topic (giống IELTS), vạch ý ra và present trước BGK. KPMG thì đề về một case Kế toán (chủ yếu vận dụng kiến thức IFRS, cái này các em nhớ học kỹ lại F3 nhé), rồi cả nhóm cũng cùng thảo luận với nhau và present, ngoài ra các anh chị sẽ đặt câu hỏi cá nhân cho từng người, bao gồm một số câu hỏi nhỏ về kiến thức chuyên ngành và câu hỏi về bản thân các em (dựa trên thông tin em đã điền trong form online ở vòng 1 đó). Còn EY thì đề cũng về social nhưng giám khảo sẽ chỉ mặt từng người và đặt câu hỏi liên quan chứ nhóm không phải present (cái này thì tùy style của người phỏng vấn nhé, năm ngoái có một anh phỏng vấn nhóm bọn chị hỏi những câu vừa “lạ” vừa “buồn cười”, khiến không khí buổi phỏng vấn "chill" hơn hẳn). Và ở vòng này thì mình sử dụng tiếng Anh full luôn nhé, kể cả ở phần thảo luận với các bạn teammate, phần present và phần đối đáp với người phỏng vấn.

Vậy thì sau vòng 3 này, chị rút ra được những gì?

  • Trước hết là các em cần dành thời gian luyện Speaking một chút ở nhà cho quen, thực ra cái quan trọng nhất ở vòng này cũng ko phải là tiếng Anh nhưng có sự chuẩn bị trước thì các em sẽ tự tin hơn, đồng thời cũng phản xạ linh hoạt hơn với người phỏng vấn.
  • Tuy nhiên, cái quan trọng hơn cả chị rút ra được mà đợt chị ôn thi cũng được nhiều người khuyên, đó là trong quá trình tham gia vòng này, các em hãy thể hiện tinh thần hợp tác một cách tốt nhất có thể.

Tinh thần hợp tác là như thế nào? Đó là các em có đóng góp ý kiến của mình khi thảo luận với các bạn teammate, đừng vì tự ti vào khả năng tiếng Anh của bản thân mà im lặng suốt cả vòng nhé. Tuy nhiên cũng đừng tự tin thái quá mà tranh nói hết cả các phần của các bạn khác, lúc thảo luận hãy góp ý và xung phong nhận present một phần nhất định thôi, rồi phần còn lại để “đất diễn” cho các bạn khác nữa, nếu muốn bổ sung gì thì lịch sự góp ý với các bạn. Và lúc đó, thể hiện một thái độ vui vẻ, cởi mở, mang tính đóng góp với một cái mục tiêu là giúp cả nhóm hoàn thiện vòng này một cách tốt nhất chứ không phải là giúp mỗi bản thân mình để rồi phản ứng gắt gao với ý kiến của các bạn khác nhé. Các em phải luôn nhớ vòng này để đánh giá kỹ năng teamwork của các em, dù chưa thể hiện được nhiều về kiến thức chuyên môn hay khả năng tiếng Anh nhưng thể hiện một thái độ hợp tác tốt có thể là điểm cộng giúp các em vượt qua được vòng này đó.

Vòng 4: Final Interview

Đến vòng này thì chị sẽ chỉ review về hai firm PwC và KPMG. Đây chính là cái vòng thi để lại cho chị nhiều kỷ niệm khó quên nhất, đặc biệt là vòng FI với PwC, và chính từ vòng này mà chị rút ra được khá nhiều bài học đáng nhớ.

FI của PwC là cái FI đầu tiên chị tham gia, nên cũng không khỏi bỡ ngỡ, và vì thế nên mức độ tệ hại cũng cao nhất. Có 2 người phỏng vấn chị, một anh Partner và một chị HR. Chị bắt đầu bằng lời giới thiệu bản thân, kể hết điểm mạnh điểm yếu ra. Mạnh thì là goal-oriented, disciplined, good teamwork, yếu thì là quite shy, react slowly to unexpected problems, và ngay sau đó, anh partner "ném" cho chị một câu hỏi mà chị thấy unexpected vô cùng luôn (xin phép được giấu tên và gọi là anh X), “I don’t think you have auditor quality, I think you should leave now”. Lúc đó chị sợ vô cùng, tim đập thình thịch, mọi thứ như muốn sụp đổ, chị chỉ nghĩ “Thôi xong rồi, kiểu này tạch là cái chắc rồi”, chị lấy hết mọi sự dũng cảm hỏi lại anh ý “Why?”, chứ cũng không dũng cảm đến mức đứng dậy và đi về luôn. Rất may anh ý không tiếp tục đuổi chị về nữa mà nói luôn một tràng tiếng Việt “Anh thấy em chưa có cái tố chất nào phù hợp với công việc kiểm toán cả, em sell bản thân mình nữa đi để thuyết phục anh rằng em xứng đáng với vị trí này!”, và thế là chị tiếp tục sell, do bị cú vừa rồi mà chị mất hết hẳn tất cả mọi sự tự tin, nói với cái giọng run run, và nói cũng ấp úng, không rõ ràng rành mạch. Chị kể chị disciplined như thế nào thì anh ý bảo chị cứng nhắc hơn là kỷ luật, và chị sell rằng chị có chí tiến thủ và kể về vụ bị C, D môn F7 ở trường nhưng vẫn tu chí học hành và được Prize winner ở ngoài thì anh ý lại bảo “Chứng tỏ em không ổn định, ở trường cô dạy không hiểu nên không học được còn người dạy hợp em thì em học được, thế sau này em đi làm người làm việc hợp em thì em mới làm tốt còn người không hợp thì em làm kém đúng không?”. Nói chung anh ý sẽ luôn phản bác lại những gì chị đã nói và nhiều lúc dồn chị vào thế bối rối vô cùng, không biết phải xử lý như thế nào.

Nhưng sau nhiều lần như vậy, chị ý thức được tính cách và style phỏng vấn của anh này rồi, nên chị cũng chỉ cố cười rồi trả lời anh ý đến cùng thôi. Rồi anh ý đặt những câu hỏi mà chị không hề chuẩn bị trước, ví dụ như là “Tại sao em học kế toán?”, “Bố mẹ em làm nghề gì?”, “Bố mẹ em định hướng nghề cho em không hay em tự quyết”,. “Ước mơ lớn nhất của em hiện tại là gì?”,… Và anh ý không hỏi chị chút gì về kiến thức chuyên môn cả. Cuối cùng lúc anh ý hỏi chị có đặt câu hỏi gì không thì chị chỉ hỏi lại là tại sao anh ý nghĩ chị không hợp kiểm, có thật vậy không, anh ý bảo đấy thực ra là cái trick để anh ý đánh giá phản ứng của mình như thế nào, và nhận xét rằng chị bị shy với passive quá, nhưng cũng vẫn động viên chị nghỉ ngơi, thư giãn, không phải lo lắng quá đâu,….. Thật sự chị đinh ninh rằng chị đã hoàn toàn thất bại trong buổi phỏng vấn đó và không hề nuôi hi vọng rằng chị sẽ pass, ai ngờ cái mail offer đến với chị một cách vô cùng unexpected. Chị vẫn chưa biết được chị đã để lại ấn tượng gì tốt đẹp để có thể qua được vòng phỏng vấn với Mr X, nhưng phải thừa nhận rằng anh X đó thực sự có tài trong việc phỏng vấn, vì với cái trick như vậy anh ý đã bắt chị phải bộc lộ hết mọi tính cách sâu thẳm nhất trong con người chị ra. Và anh X cũng chính là người đã cho chị nhiều bài học quý giá về kỹ năng phỏng vấn. Đến vòng FI ở bên KPMG, chị chuẩn bị tốt hơn rất nhiều, bớt rụt rè hơn, tập trung sell bản thân một cách thuyết phục hơn, bên này thì hỏi khá nhiều về những điều các em ghi vào CV, đặc biệt là về kiến thức chuyên ngành nhưng nói chung chị vẫn có thể trả lời được.

Kinh nghiệm mà chị rút ra được là gì sau những vòng Final Interview đầy “bão táp” đó là gì?

  1. Hãy chuẩn bị một bài Introduce yourself thực sự thuyết phục: Nói chung là có điểm mạnh điểm yếu, điểm mạnh thì nó phải đặc biệt liên quan tới ngành nghề, và nếu liên quan tới vision hay culture của công ty thì càng tốt. Điểm yếu thì phải kể cái mà em thấy rõ nhất và kể thêm cả quá trình em đã cố khắc phục điểm yếu ấy như thế nào để mọi người đánh giá là em có chí tiến thủ. Ngoài ra có thể nói thêm về mục đích của em khi apply vào công ty là gì, và điều gì khiến em ấn tượng nhất về firm.
  2. Trước buổi phỏng vấn, hãy dành thời gian đào sâu về bản thân mình và về công ty thật nhiều: Đây là việc tối quan trọng. Trước hết là tìm hiều về công ty trên những website, trên profile, đặc biệt chú trọng đến tầm nhìn, sứ mệnh , giá trị cốt lõi của công ty là gì, cơ cấu tổ chức như thế nào, dịch vụ cung cấp là gì,như vậy khi bị hỏi thì mình cũng trả lời được, và điều đó thể hiện rằng mình có research chứ không apply bừa. Thứ hai là suy ngẫm về bản thân, suy ngẫm thật nhiều, bản thân có gì phù hợp với công ty, với ngành nghề này, mục tiêu ngắn hạn dài hạn là gì, và suy ngẫm về cả những điều mình đã ghi vào CV nữa, như một anh khóa trên đã khuyên chị, thì nên chuẩn bị cả một câu chuyện phía sau những gì mình ghi trên CV, ví dụ như chị từng làm ở TalentPool thì chị đã làm những việc gì, đã học được gì, môi trường ở đấy như thế nào, tái sao chị không làm nữa,… Nói chung càng chuẩn bị nhiều càng tốt, vì điều đó sẽ thuyết phục nhà tuyển dụng rằng mình thật sự hiểu bản thân mình.
  3. Chuẩn bị về kiến thức chuyên môn: Có những công ty sẽ đặc biệt quan tâm đến chuyên môn của ứng viên và đặt những câu hỏi chuyên môn. Đó có thể là những câu sâu hẳn về chuyên ngành như kế kiểm của mình, hoặc rộng hơn về kinh tế như gần đây có sự kiện kinh tế nào đáng quan tâm không ….? Nói chung trước khi phỏng vấn, dành thời gian ôn luyện lại kiến thức, xem qua tin tức cũng sẽ giúp chúng ta tự tin hơn và sẵn sàng hơn rất nhiều.
  4. Quan trọng nhất, hãy luôn giữ vững sự bình tĩnh và cứ là chính mình: Hãy trả lời câu hỏi của người phỏng vấn một cách thành thực, đừng có overexaggerate mình lên quá nhé. Và luôn nhớ là phải giữ bình tĩnh, nhất là đối với những tình huống unexpected như chị đã kể ở phía trên, vì chỉ một chút mất bình tĩnh thôi em sẽ dễ bị cuống, dẫn đến việc câu trả lời bị vòng vo, ấp úng và em vô tình thể hiện cho người phỏng vấn thấy sự thiếu tự tin của mình, sẽ rất ảnh hưởng đến kết quả của em sau này.

Lời kết


Lương Linh Giang (thứ 2 từ phải qua) và các bạn thực tập sinh tại KPMG

Đó là tổng quan về 4 vòng thi tại Big4 mà chị đã trải qua. Chung quy lại, chị rút ra được một số bài học sau và chị nghĩ là nhờ có những điều này thì chị mới có được kết quả khá là mãn nguyện như vậy trong kì thi:

- Thứ nhất, là luôn có sự chuẩn bị kỹ càng. Ngay khi Big vừa mở đơn, chị đã bắt đầu phải chuẩn bị luôn rồi, chuẩn bị các giấy tờ liên quan để đính kèm vào CV, rồi cũng tranh thủ bắt đầu xem lại các kiến thức F3, F6, F8 của ACCA. Chị có thói quen mark các deadline lên lịch để chị ý thức được thời gian app và cũng tránh việc “nước đến chân mới nhảy”. Cứ mỗi lần được mail báo pass vòng nào thì chị lại bắt đầu chuẩn bị luôn cho vòng tiếp theo. Thực ra, mỗi người sẽ có một cách chuẩn bị khác nhau cho kì thi này, nhưng bản thân chị luôn cảm thấy mình chưa đủ giỏi, chưa đủ chắc chắn để có thể “tay không bắt giặc” được nên chị cảm thấy có sự chuẩn bị đầy đủ ít nhất sẽ mang lại cho chị sự tự tin để có thể perform một cách tốt nhất.

- Thứ hai, là luôn tự tin vào chính mình. Quá trình thi tuyển Big 4 khá lâu và nhiều lúc cũng stressful, đặc biệt cảm giác ấy sẽ tệ hơn khi em bắt đầu nhận được mail reject của một big nào đó. Nhưng hãy giữ vững sự tự tin và cố gắng hết sức mình nhé, đừng chỉ vì một tác nhân rồi dẫn đến nản chí, buông bỏ hết. Chị tin rằng nếu đầu tư chuẩn bị rất kỹ rồi, cộng thêm nghị lực nữa thì các em sẽ vượt qua được thử thách này thôi.

Trên đây là toàn bộ những gì chị muốn chia sẻ với các em, hi vọng có thể giúp các em có được cái nhìn ban đầu về các kỳ thi Big 4 và có được sự chuẩn bị tốt nhất cho bản thân mình. Lời cuối, chị chúc các em sẽ luôn bình tĩnh, tự tin và cố gắng hết mình để đạt được kết quả thật như ý nhé. Good luck!

Cảm ơn chị Giang đã dành thời gian chia sẻ các kinh nghiệm quý giá của mình tới các bạn học viên. BISC chúc chị sức khỏe và gặt gái được thật nhiều thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp của mình!